Ôtô, dệt may, đồ gỗ điêu đứng với Covid-19

[ad_1]

Số đơn hàng dệt may 2 tháng tới giảm 70%, ngành gỗ sẽ cắt 70% công suất tuần kế tiếp còn doanh nghiệp ôtô phải dừng sản xuất. 

Bức tranh không mấy sáng sủa của các ngành sản xuất công nghiệp trọng điểm như dệt may, da giày, đồ gỗ hay ôtô… được miêu tả chi tiết trong báo cáo tác động Covid-19 vừa được Bộ Công Thương gửi Thủ tướng.    

Theo đó, dệt may dự kiến số đơn hàng 2 tháng tới bị giảm khoảng 70%, các đơn hàng dài hạn và mới gần như không được ký do các đối tác lớn từ Mỹ, EU giảm tiêu thụ. Ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận họ đang trải qua “thách thức chưa từng có”.   

Dệt may, da giày đều là những ngành trọng điểm, chiếm tỷ trọng và giá trị rất lớn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là ngành thâm dụng lao động lớn nên thiếu việc làm là điều hết sức nghiêm trọng. Vinatex và các công ty thành viên đang tìm mọi cách giãn ca, không tăng giờ làm thêm để đảm bảo đủ việc, không sa thải công nhân.

Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho ông chủ doanh nghiệp may mặc, không có việc làm sẽ không có tiền trả lương nhân viên. “Mấu chốt ở đây là làm sao giữ được dòng tiền trong doanh nghiệp”, ông Trường trăn trở. 

Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở KCN Tân Đô, Long An. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở KCN Tân Đô, Long An. Ảnh: Quỳnh Trần

Ngành sản xuất đồ gỗ cũng gặp tình cảnh tương tự khi xuất khẩu bắt đầu chững lại từ giữa tháng 3 và không có đơn hàng mới. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 1-2 tuần tới, các doanh nghiệp đồ gỗ bắt đầu cắt giảm công suất, chỉ duy trì chế độ làm việc luân phiên. 

“3-4 tuần tới, hầu hết doanh nghiệp sẽ ngừng hẳn sản xuất theo các đơn hàng xuất khẩu. Một số doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ nội địa chỉ có thể hoạt động cầm chừng, khoảng 10-15% công suất nhà máy”, lãnh đạo hiệp hội lo lắng.

Ngoài ra, ngành đồ gỗ còn gặp khó khăn khác khi từ 1/3, Bộ Thương mại Mỹ tiếp nhận đơn khởi kiện của Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ. Đơn này liên quan điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm với các mặt hàng ván dán và các sản phẩm gỗ có sử dụng ván dán xuất khẩu từ Việt Nam.

Sản xuất ôtô trong nước cũng không sáng sủa hơn khi chỉ trong một tuần liên tiếp 5 doanh nghiệp thông báo dừng sản xuất 15 ngày. Lần lượt Ford, Toyota, Honda tại Việt Nam, Tập đoàn Thành Công và gần nhất là Nissan Việt Nam đã quyết định tạm đóng cửa nhà máy vì Covid-19. Đưa ra thông báo dừng nhà máy trong 15 ngày (1/4-15/4) nhưng các doanh nghiệp cho biết, việc hoạt động trở lại sẽ phụ thuộc tình hình dịch bệnh chung và chỉ thị của Chính phủ.   

Trong quý I, sản xuất ôtô cũng là ngành có mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp thấp nhất, giảm 9% so với cùng kỳ 2019. Sản lượng ôtô sản xuất trong nước đạt 56.200 chiếc, giảm gần 10,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số tồn kho tăng cao, hơn 122% so với cùng kỳ, cho thấy khó khăn rất lớn trong tiêu thụ sản phẩm của lĩnh vực sản xuất này. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) ước tính, lượng tiêu thụ ôtô năm nay có thể giảm hơn 15%.

Khó khăn của các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực lúc này không nằm ở cung nguyên liệu đầu vào Trung Quốc như cách đây 2 tháng. Thị trường đầu ra giảm sút và khó khăn này theo đánh giá của Bộ Công Thương còn “nghiêm trọng hơn”.

Với dệt may, da giày, gỗ nhiều khách hàng lớn từ Mỹ, EU đã đề nghị giãn, hoãn tiến độ giao hàng, chưa ký hợp đồng mới, thậm chí huỷ hợp đồng đã ký. Các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 rất chậm. Trong khi đó, việc chuyển hướng xuất khẩu sang các quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… gặp khó khăn vì các thị trường này “khó bù đắp thiếu hụt từ thị trường Mỹ, EU”.

Ở chiều ngược lại, khi Trung Quốc khôi phục sản xuất thì hàng dệt may Việt Nam sẽ vấp phải cạnh tranh, do năng lực sản xuất của họ rất lớn. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước đang giảm sút do các biện pháp phòng dịch cũng như tâm lý giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu.

“Đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh thời gian tới sẽ khiến các doanh nghiệp không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải chi phí, trả lãi ngân hàng, khấu hao nhà xưởng, trả lương công nhân… Do đó, các doanh nghiệp sẽ không thể duy trì hoạt động”, Bộ Công Thương nhận xét.

Ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này, theo Bộ Công Thương là duy trì hoạt động của các doanh nghiệp công nghiệp qua giai đoạn khó khăn bởi tác động của dịch bệnh.

Vì thế, ngoài tiếp tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, Bộ này đề xuất loạt giải pháp cấp bách. Bộ đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay 30% so với mặt bằng hiện nay trong 12-24 tháng với các doanh nghiệp công nghiệp.

Cùng đó, cơ cấu lại thời gian trả nợ 18-24 tháng. Riêng với ngành dệt may, da giày, Bộ Công Thương đề nghị ngành tài chính cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, 2020; hoãn nộp thuế VAT đến quý IV/2020. Gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải trong thời gian nhà máy dừng hoạt động do dịch bệnh. Cho phép miễn nộp phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động, áp dụng chung cho cả ngành dệt may và da, giày…

Anh Minh

[ad_2]