[ad_1]
Người châu Âu chuộng hàng dệt may Việt Nam, còn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn mong muốn tăng xuất khẩu vào thị trường EU, một thị trường quan trọng mang lại tăng trưởng cho ngành dệt may.
Bình thường hay thận trọng ?
Việc Quốc hội có thể sẽ phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU (EVFTA) vào ngày 28/5 đã tạo nhiều hứng khởi cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, bắt đầu bằng lộ trình giảm thuế kể từ đầu tháng 8 tới.
Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát Covid-19 của châu Âu đang phát huy tác dụng, một số nước đã từng bước mở cửa lại kinh tế. Công ty Việt Thắng Jean (Vitajean) hy vọng sẽ sớm lấy lại được đà sản xuất và xuất khẩu trong quý II, thị trường đã làm ăn suốt 30 năm qua.
Những công ty xuất khẩu hàng dệt may như Việt Thắng Jean, May 10 hay Vinatex đang đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng dài hạn vào thị trường hơn 600 triệu người tiêu dùng này nhằm giảm bớt những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và dịch Covid 19.
Kỳ vọng này lấn át cả thay đổi về hành vi tiêu dùng hàng dệt may. Theo ông Denis Gouttenoire, Chuyên gia Chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (Sippo), thị trường đang chịu sự dẫn dắt của hai xu hướng: tiêu dùng “bình thường” như trước dịch bệnh và “ thận trọng” hơn rất nhiều.
Theo Denis, người tiêu dùng muốn bù đắp lại khoảng thời gian bị giãn cách nên sẽ tiêu dùng tưng bừng hơn, đây là một hướng có thể xảy ra. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ không tiếp tục vào hậu Covid-19, khi có đến 65% nhà mua hàng châu Âu nói sẽ không mua nhiều như trước.
Ngay cả trong mạng lưới của Sippo, các chuyên gia cũng nghĩ rằng xu hướng “tiêu dùng thận trọng” có nhiều khả năng xảy ra hơn, kéo theo đó là các yêu cầu về chất lượng, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội.
“Những ảnh hưởng về tài chính cũng là một lý do làm cho người tiêu dùng châu Âu thận trọng hơn khi mua sắm các sản phẩm thời trang, nhất là phân khúc xa xỉ, ngay cả khi họ được nhận trợ cấp”, Denis nói.
Covid-19 đã đẩy mối quan tâm của người tiêu dùng về tài chính lên mức “tương đối cao”, theo kết quả khảo sát hồi tháng 4/2020 của Hãng kiểm toán Deloitte thực hiện trên 13 quốc gia với 1.000 người tiêu dùng ở mỗi nước.
Tính trung bình, 42% những người được hỏi cho biết họ lo sợ mất việc làm, tỉ lệ này cao nhất ở Tây Ban Nha, quốc gia trong khối Liên minh châu Âu, tới 62%. Những người tham gia khảo sát ở Tây Ban Nha cũng thể hiện sự lo ngại đối với việc thực hiện các khoản thanh toán sắp tới.
Những người được khảo sát ở Anh, Tây Ban Nha và Italia cũng tỏ sự bất an hơn các quốc gia khác, theo Deloitte khả năng việc tiếp tục kéo dài lệnh bắt buộc ở nhà để ngăn ngừa dịch bệnh tại các nước này, gây ảnh hưởng đến công việc và thu nhập.
Việt Nam xem xét phê chuẩn EVFTA trong bối cảnh ngành thời trang châu Âu đang rơi vào khủng hoảng tài chính, thị trường ghi nhận rất nhiều đăng ký phá sản. Tại thị trường Anh, các thương hiệu như Finigans, Freemont, đã đăng ký hồ sơ xin công bố khó khăn tài chính, thậm chí xin phá sản.
“Mức độ tiêu dùng sẽ nhỏ giọt hơn rất nhiều so với trước đại dịch. Xu hướng này không chỉ của năm nay mà còn kéo sang năm 2021”, Denis nói và cho biết: “Nhiều nhà mua hàng nói rằng chưa thể biết người tiêu dùng sẽ mua loại hàng hóa nào”.
Những hành vi điều chỉnh của người tiêu dùng, theo Denis sẽ dẫn tới sự điều chỉnh của các nhà mua về chính sách mua hàng. Họ sẽ tìm kiếm những nhà cung cấp đáp ứng tốt hơn các giá trị về môi trường và trách nhiệm xã hội.
Linh hoạt, khả năng thích ứng và minh bạch là những yếu tố các nhà mua hàng kỳ vọng ở các nhà cung cấp, đồng nghĩa với việc các nhà cung ứng phải linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, giao hàng nhanh hơn và đáp ứng được các yêu cầu của cả những đơn hàng nhỏ, Denis khuyến cáo.
Những việc phải làm ngay
EVFTA nếu có hiệu lực vào tháng 8 tới, phía EU sẽ lập tức dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên, lợi ích từ hiệp định thế hệ mới này sẽ không đến sớm với ngành dệt may.
Theo dữ liệu của Vinatex, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu kép (tăng trưởng được tích lũy trong một thời gian dài) của Việt Nam vào EU trong 5 năm qua đã tăng gần 9%, nhưng tỷ trọng xuất khẩu dệt may vào EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ra thế giới trong 5 gần đây đã giảm từ 17,1% năm 2015 xuống 16,3% năm 2019.
Quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA cũng là thách thức không chỉ trong ngắn hạn đối với ngành dệt may Việt Nam khi chưa có đủ vải chất lượng cao để sản xuất hàng xuất khẩu vào EU, trong khi nhập khẩu từ những quốc gia có FTA với EU như Hàn Quốc, cũng có hạn chế nhất định.
Hiện, 90% nguyên phụ liệu của dệt may Việt Nam đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên EVFTA và không được ưu đãi cộng gộp của Hiệp định. Năm 2018, ngành dệt may nhập từ Trung Quốc lượng vải lên tới 7,1 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2017.
Trong khi đó, phương án mua vải trong nước cũng không khả thi. Việc doanh nghiệp phải trả thuế VAT 10% đã làm giá vải trong nước cao hơn giá vải nhập khẩu, trong khi những lợi ích về cắt giảm thuế quan của EVFTA lại chưa đủ bù đắp để có giá bán cạnh tranh so với các quốc gia khác cùng xuất khẩu vào EU.
Thế nhưng, EVFTA vẫn có thể mang lại nhưng lợi ích dài hạn cho ngành dệt may. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tin rằng, thị trường sẽ có sự dịch chuyển mạnh mẽ khi EVFTA có hiệu lực và thuế về 0%.
EVFTA sẽ giúp Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường EU thông qua giảm thuế quan và cạnh tranh về thuế của các nước Bangladesh, Campuchia, Pakistan để xuất khẩu vào thị trường này, cũng vì thế mà bớt khốc liệt hơn.
Với EVFTA, lợi thế cạnh tranh về thuế của các quốc gia cạnh tranh như Bangladesh, Campuchia, Pakistan sẽ không nhiều ý nghĩa. Đặc biệt với Campuchia, quốc gia có mức tăng trưởng kép mạnh nhất vào EU trong 5 năm qua, từ 2,8 tỷ USD năm 2013 lên 6,3 tỷ USD năm 2018, không tính Trung Quốc, cường quốc số 1 thế giới về xuất khẩu dệt may.
Thậm chí, Campuchia có thể sẽ chính thức bị loại khỏi chương trình ưu đãi thuế quan GSP từ tháng 8/2020 và thuế nhập khẩu hàng dệt may của Campuchia vào EU cũng sẽ tăng lại 12% do vi phạm một số nguyên tắc về theo quy định của EU.
Dù vậy, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều việc phải làm ngay để ngành dệt may được hưởng lợi từ EVFTA. Chính phủ cần sớm điều chỉnh quy hoạch đối với ngành dệt may, giai đoạn 2020-2040 do Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã “lỗi thời”, theo ông Giang
Theo quy hoạch cũ của ngành dệt may, đến năm 2020 ngành dệt may sẽ xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, nhưng đến năm 2015 Việt Nam đã đạt kim ngạch xuất khẩu 27,5 tỷ USD và dự kiến năm 2016 này là 31 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam vẫn đặt trọng tâm xuất khẩu vào thị trường Mỹ, một trong những lý do chính khiến ngành dệt may lao đao trong suốt 2 năm qua do liên tiếp chịu tác động kép, từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và Covid-19.
Nước ta cần nhanh chóng định hướng và cơ cấu lại thị trường xuất khẩu hàng dệt may, thay vì tiếp tục tập trung chính vào thị trường Mỹ, chiếm tới 46% tổng xuất khẩu, Chủ tịch Vitas thúc giục khi việc phê chuẩn và EVFTA có hiệu lực chỉ còn tính bằng ngày.
Với EVFTA, 100% các mặt hàng dệt may Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 8 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực theo 4 lộ trình: A, B3, B5 và B7.
Cụ thể:
– A: thuế quan được xóa bỏ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực;
– B3: về -3%/năm, thuế được giảm dần đều trong vòng 4 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, từ mức cơ sở trở về 0%;
– B5: về -2%/năm, thuế được giảm dần đều trong vòng 6 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, từ mức cơ sở trở về 0%;
– B7: về -1.5%/năm, thuế được giảm dần đều trong vòng 8 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, từ mức cơ sở trở về 0%./.
|
[ad_2]