Nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý của ngành Dệt may tăng nhẹ

Theo thống kê của Navigos Search, trong Quý 2/2020, nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý cấp trung và cấp quản lý của ngành may mặc tăng nhẹ, hầu hết đến từ các nhà máy Dệt may có vốn đầu tư nước ngoài, đơn cử như Hàn Quốc và Mỹ.

Công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search vừa công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search trong Quý 2/2020.

nhu cau tuyen dung cac vi tri quan ly cua nganh det may tang nhe

Theo Navigos Search, trong Quý 2/2020, nhu cầu tuyển dụng các vị trí quản lý cấp trung và cấp quản lý của ngành may mặc tăng nhẹ. Ảnh: B.D.

Theo đó, trong Quý 2, các nhà máy gia công những đơn hàng quần áo phân khúc siêu thị, giá rẻ đã phục hồi hoạt động sản xuất về trạng thái bình thường nhờ bắt đầu nhận được các đơn đặt hàng trở lại, đáng kể đến là các nhà máy gia công các đơn hàng cho các hãng bán lẻ hàng đầu của Mỹ.

Cũng theo Navigos Search, các lĩnh vực sản xuất mũi nhọn nhiều tiềm năng đầu tư, mở ra nhiều cơ hội việc làm.

Cụ thể, theo quan sát của Navigos Search, sau khi hiệp định thương mại EVFTA được thông qua và các nước mở cửa biên giới trở lại, tiềm năng sẽ xuất hiện nhiều cơ hội việc làm cho người lao động do các làn sóng đầu tư vào các ngành sản xuất mũi nhọn.

Theo đó, ngành Dệt may/Da giày, do được hưởng nhiều quy chế ưu đãi nên Việt Nam sẽ trở thành điểm đầu tư lý tưởng của doanh nghiệp nước ngoài từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ; hiệp định EVFTA cũng là động lực thúc đẩy ngành Nông nghiệp xuất khẩu mạnh mẽ hơn.

Đối với ngành Điện tử, Quý 2/2020 ghi nhận một số doanh nghiệp đã tái khởi động kế hoạch dịch chuyển các dự án nhà máy mới từ Châu Á sang Việt Nam, khiến nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực này cũng bắt đầu “tăng nhiệt” nhẹ.

Các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư và triển khai các dự án mới trong ngành điện tử, ô tô tại các thành phố công nghiệp như Hà Nam, Hải Phòng, Hải Dương.

Ngành công nghiệp phụ trợ hứa hẹn cũng sẽ “lên ngôi” khi được chú trọng thu hút nguồn vốn nước ngoài FDI nhiều hơn từ các nước châu Âu và trong khu vực.