Hàng dệt may xuất khẩu của DN nước ta vẫn tập trung vào một số thị trường quen thuộc
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA). Thế nhưng, hàng dệt may xuất khẩu của DN nước ta vẫn tập trung vào một số thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, chưa phân đều cho các thị trường mà nước ta đã ký kết FTA. Thực tế này làm tăng rủi ro cho tăng trưởng của ngành, khi bị ách tắc tại một số thị trường truyền thống. Đồng thời, không tạo lợi thế cạnh tranh để kéo giảm sức ép hàng rào kỹ thuật mà một số thị trường truyền thống đang dựng lên ngày càng nhiều nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm là gần 14,58 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, tập trung cao nhất là xuất khẩu sang thị trường Mỹ với 5,79 tỷ USD, chiếm trên 41%. Kế đến là châu Âu, đạt 1,69 tỷ USD (12%), Nhật Bản đạt trên 1,4 tỷ USD (10%), Hàn Quốc đạt 1,02 tỷ USD (7,2%) và một số thị trường khác… Đặc biệt, tình hình xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc đang có nhiều thuận lợi và tận dụng được ưu đãi thuế suất tốt nhất, khối lượng hàng hóa tăng vượt bật – 16,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng và mở rộng thị trường xuất khẩu, đại diện nhiều DN dệt may kiến nghị cần sửa đổi Nghị định 60/2014 quy định điều kiện cấp phép nhập khẩu máy in để in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu. Nghị định này đang gây khó vì buộc chủ DN phải có bằng cấp từ cao đẳng trở lên về ngành in, hoặc được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.
Các DN cũng kiến nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính xem xét lại quy định tăng mức thuế nhập khẩu từ 0% lên 2% đối với xơ polyester, bởi nguyên liệu này chưa sản xuất được trong nước nên vẫn phải nhập khẩu. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần tính toán theo hướng hỗ trợ, cho phép các DN sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế giá trị gia tăng. Những chính sách khác liên quan như tăng lương tối thiểu vùng năm 2018, điều chỉnh tỷ lệ đóng bảo hiểm… cũng cần cân nhắc điều chỉnh hợp lý để tạo nội lực cho DN có thể tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu.
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo SGGP xung quanh thông tin thời gian gần đây nhiều đơn hàng dệt may của các DN nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang khẳng định: “Thông tin trên hoàn toàn không chính xác. Hiện đơn hàng của các DN dệt may rất dồi dào và đang vào giai đoạn nước rút để giao hàng đúng tiến độ. Tuy nhiên, trong quý 1, do tác động chung của tình hình kinh tế, chính trị của một số nước trên thế giới nên đơn hàng dệt may có chững lại…”. Ông Giang cũng cho biết, bước vào năm 2017, các DN dệt may trong nước đã nỗ lực tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu khi các dòng thuế vào một số thị trường lớn đang có xu hướng giảm dần, nhất là một số FTA đã có hiệu lực như Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu và sắp có hiệu lực như Việt Nam – EU. “Đây là sự cố gắng đáng ghi nhận của ngành dệt may trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn bất ổn và tình hình xuất khẩu dệt may của nhiều cường quốc không mấy khả quan. Trung Quốc giảm hơn 5% so với cùng kỳ 2016, Bangladesh giảm 3,5%, Indonesia giảm 5%, chỉ có Ấn Độ tăng 5%”, ông Giang đánh giá.