[ad_1]
Vấn đề xuất xứ nguyên liệu vẫn là trở ngại lớn nhất để doanh nghiệp Việt được hưởng ưu đãi từ EVFTA. Ảnh: Đức Thanh
Bài toán nguyên liệu
Nếu không có gì thay đổi, từ tháng 7/2020, EVFTA sẽ đi vào thực thi. Trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.
Cam kết này của EU được đưa ra phù hợp với khả năng đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi) của ngành dệt may Việt Nam. Tức là để được hưởng thuế quan ưu đãi theo EVFTA, thì hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ Việt Nam. Ngoài ra, EU cũng chấp nhận linh hoạt với quy tắc này như cộng gộp xuất xứ từ Hàn Quốc hay những nước mà Việt Nam và EU có FTA (như Nhật Bản và một số nước ASEAN).
EVFTA với những cam kết thuế quan cắt giảm rất sâu, nhưng phải đảm bảo quy tắc xuất xứ từ vải. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể giải được bài toán tự chủ nguồn nguyên liệu để hưởng những ưu đãi thuế quan hàng tỷ USD đó.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may Việt Nam, với giá trị xuất khẩu năm 2019 đạt 4,4 tỷ USD, tương đương 13,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may. Được biết, các sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU phải chịu mức thuế 7-17% (trung bình 9,6%). Việc giảm thuế từ mức hiện tại sẽ giúp cho dệt may gia tăng xuất khẩu sang thị trường này.
Những doanh nghiệp dệt may sở hữu chuỗi sản xuất khép kín từ sợi, dệt, nhuộm, may sẽ là đối tượng được thụ hưởng từ EVFTA nhiều nhất.
Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, không thể thiếu vải là ta đặt vấn đề đầu tư vải. Ngành dệt may Việt Nam phát triển dựa trên chuỗi cung ứng toàn cầu và phải nhìn trên tổng thể chuỗi và xem “thể lực sức khỏe” của mình đến đâu để tính toán đầu tư hợp lý.
“Các doanh nghiệp sẽ chỉ rót vốn làm vải nếu có sự đồng nhất của chuỗi cung ứng với nhóm mặt hàng nào đó, trong từng tình huống cụ thể mới quyết định đầu tư và quyết làm ở quy mô nào. Hiệu quả nhất là tìm đối tác có kinh nghiệm, cùng trong chuỗi cung ứng với nhà sản xuất để đi cùng với mình để nhanh đến đích như một số doanh nghiệp trong ngành đã và đang triển khai khá hiệu quả”, ông Trường nói.
Từng kỳ vọng rất lớn vào Dự án sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, Nhà máy Dệt Bảo Minh (Nam Định) đi vào hoạt động từ năm 2018, nhưng đến nay chưa khi nào đạt công suất thiết kế, thậm chí, công suất tại thời điểm này chỉ đạt 10%.
Ông Trần Đăng Tường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt Bảo Minh cho biết, nhà máy dệt này có tổng công suất 2 triệu mét vải/tháng, nhưng cả chất lượng lẫn sản lượng vẫn chưa dễ làm nhà mua hàng “gật đầu”, thêm vào đó, cạnh tranh về giá rất khốc liệt, và thời hạn giao hàng cũng là lý do khiến sản phẩm của nhà máy khó lòng cạnh tranh.
Thách thức nhất với các doanh nghiệp trong nước là chưa có những công ty dám đầu tư mạnh vào ngành sản xuất nguyên phụ liệu ở phân khúc cao cấp.
Nhìn vào những doanh nghiệp đầu tư lớn vào làm vải nhưng kết quả lại không chắc chắn, e rằng, không có nhiều doanh nghiệp dám dấn thân vào làm vải.
Ông Trường phân tích, mục tiêu tối thượng của ngành trong hội nhập và phát triển là đầu tư gì để dệt may có thêm năng lực cạnh tranh, chứ không đơn thuần chỉ là câu chuyện đầu tư để đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các FTA Việt Nam đã ký kết. “Nếu ta tiếp cận theo hướng thiếu vải, mà đầu tư vải đặt trong bối cảnh cạnh tranh của doanh nghiệp lẫn quốc gia như hiện nay doanh nghiệp sẽ thua lỗ”.
Trung Quốc, thị trường cung cấp vải chính yếu cho ngành dệt may Việt Nam đã sản xuất khoảng 60 tỷ mét vải trong năm 2019, cung ứng cho thị trường toàn cầu với giá bán linh hoạt bởi ưu thế của sản lượng lớn. Doanh nghiệp Việt có đầu tư vải cũng khó cạnh tranh.
Thiếu vải, may cũng khó
Số liệu của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) công bố mới đây cho thấy, năm 2019, ngành dệt may xuất khẩu 39 tỷ USD, nhưng nhập khẩu cũng ngang ngửa, với 2,47 tỷ USD chi nhập bông, 2,3 tỷ USD xơ, sợi, 12,69 tỷ USD vải các loại và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu.
Theo ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni Group, thách thức nhất với các doanh nghiệp trong nước là chưa có những công ty dám đầu tư mạnh vào ngành sản xuất nguyên phụ liệu ở phân khúc cao cấp, từ đó mới có thể sản xuất và đưa ra thế giới những sản phẩm cao cấp và nâng được giá trị.
Điểm nghẽn này sẽ càng trở nên khó giải quyết bởi năng lực vốn của các doanh nghiệp nội còn quá eo hẹp. Lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may cho biết, chuỗi cung ứng của ngành thời trang là một ngành đặc thù, phụ thuộc vào thời gian giao hàng và mẫu mã sản phẩm, nguyên phụ liệu. Dù thời gian qua không ít nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ vốn vào khâu sợi, dệt, nhuộm tại thị trường Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp may mặc mua được vải từ các nhà máy này không nhiều.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, một lý do khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà mua vải sản xuất trong nước vì phải chịu thuế VAT 10%, trong khi vải nhập khẩu thì không.
Theo quy định hiện hành thì thuế suất thuế VAT đối với mặt hàng vải là 10%. Doanh nghiệp trả thuế VAT 10% khi mua vải trong nước, khi xuất khẩu được áp dụng thuế suất VAT 0% và được khấu trừ hoàn toàn thuế VAT đầu ra.
Do đó, ông Vũ Đức Giang kiến nghị việc xuất khẩu tại chỗ nên áp dụng tương đương như việc nhập khẩu để khuyến khích sản xuất trong nước. “Mua vải trong nước thì trước tiên phải đóng 10% VAT, nhưng đến khi doanh nghiệp được khấu trừ hoàn thuế VAT đầu ra lại khá lâu, bởi thế doanh nghiệp may ngại mua vải trong nước”, ông Giang nói.
[ad_2]