Sau khi mở trung tâm công nghệ da giày, Thương vụ Ý tiếp tục thành lập trung tâm công nghệ dệt may tại TP.HCM
15 thiết bị thí nghiệm và thiết bị công nghiệp hiện đại, biểu trưng cho công nghệ dệt Ý đã đi vào vận hành vào cuối tháng 11 tại trung tâm Công nghệ Dệt Ý-Việt, đặt tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Dự án có giá trị tài trợ 330.000 Euro này là kết quả hợp tác giữa chính phủ Ý, Thương vụ Ý (ITA) và Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TPHCM (HCMUT), cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Hiệp hội Máy Dệt Italy (ACIMIT) và Tổ chức phi chính phủ quốc tế về Phát triển Công nghiệp và Kinh tế (PISIE).
Đây là nỗ lực kéo dài 3 năm qua với nhiều thiết bị lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam, là kết quả của một loạt sáng kiến đã được Chính phủ Ý triển khai sau khi Chính phủ nước này đưa ra sắc lệnh “mở khóa cho Ý” vào năm 2014, tạo ra chiến dịch quảng bá cho thương hiệu “Made in Italy”.
Dự án sẽ đóng góp một phần vào việc thúc đẩy thương mại và phát triển hợp tác kinh doanh giữa Ý và Việt Nam.
Trung tâm Công nghệ Dệt Ý – Việt được thành lập nhằm hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ dệt. Dự án sẽ đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam, giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận được với chuyển giao công nghệ thông qua các hoạt động đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật từ Đại học Bách Khoa TP.HCM và các chuyên gia Ý.
Trung tâm sẽ là địa chỉ đào tạo, cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp Việt Nam và Ý trong lĩnh vực dệt may.
Đây cũng là lần đầu tiên trường Đại học Bách Khoa và Thương vụ Ý thực hiện một dự án tài trợ dạng đặc biệt nên đã gặp không ít khó khăn về các thủ tục tài chính, xuất nhập khẩu, các vấn đề phát sinh về kỹ thuật, GS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho biết.
“Với Trung tâm Công nghệ dệt Ý – Việt, doanh nghiệp dệt may Việt Nam có điều kiện tiếp cận các kỹ thuật mới; có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các giáo sư, các nhà nghiên cứu tại các trường đại học của Ý.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đặt ra thách thức là đòi hỏi phía đại học Việt Nam phải xây dựng lại chương trình đào tạo theo hướng đổi mới và sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp để đào tạo ra lực lượng chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên chuyên nghiệp cho lĩnh vực dệt may”, ông Thành cho biết.
Còn ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Ý tại Việt Nam, cho biết: “Việt Nam là thị trường tiềm năng, có nhiều cơ hội hợp tác dành cho các doanh nghiệp Ý ở những lĩnh vực mà Ý quan tâm như dệt may, da giày, thuộc da, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng…
Việt Nam có nhiều lợi thế về nhân lực, điều kiện kinh tế, thị trường mở để phát triển các ngành mà Ý có thế mạnh và hai bên có thể hỗ trợ cho nhau”.
Thương vụ Ý tại Việt Nam trong thời gian qua tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại. Trước đó, hồi tháng 7, Trung tâm Công nghệ giày Việt – Ý do Hiệp hội Quốc gia các nhà sản xuất máy móc da giày Ý (ASSOMAC) và Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO) được thành lập tại Bình Dương. Trong năm 2017, 29 doanh nghiệp Ý đã tham gia triển lãm da giày quốc tế ở Việt Nam.
Ý hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 18 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 15 của Việt Nam. Theo Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Ý đạt trên 2,88 tỉ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Ý cũng là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong khối EU với kim ngạch thương mại hai chiều vào khoảng 4,6 tỉ USD trong năm 2016.
Ý là nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng Euro với tổng thu nhập quốc dân (GDP) đạt hơn 2.200 tỉ USD trong năm 2016, là nền kinh tế sản xuất lớn thứ 2 tại châu Âu và lớn thứ 7 trên thế giới.
Nguồn Nhịp cầu đầu tư.