Dù kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể đạt được 31,3 tỉ USD trong năm nay, tăng 10,9% so với năm ngoái, nhưng ngành dệt may hiện đang tồn tại nhiều bất ổn chưa có hướng giải quyết triệt để vì thế cần chính sách vốn chuyên biệt.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, tăng trưởng dệt may có thể đạt hai con số trong năm nay, nhưng những khó khăn mà ngành này đang đối mặt vẫn bế tắc trong thời gian dài.
Trong số đó, tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ kỹ thuật còn khá thấp, khả năng thiết kế thời trang, phát triển sản phẩm, tiếp cận công nghệ mới còn nhiều hạn chế khiến việc phát triển các phương thức kinh doanh mới mang lại giá trị gia tăng cao còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Hồng cho rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ và với khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, nếu không liên kết với một số doanh nghiệp lớn thì những doanh nghiệp này cũng khó tồn tại.
Chưa kể, ngành công nghiệp phụ trợ dệt may chưa phát triển càng làm cho sự mất cân đối trong cung – cầu nguyên liệu, lệ thuộc lớn vào nguồn cung nhập khẩu vẫn ở mức cao.
Để giải quyết thực trạng nói trên, ông Hồng kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ các chương trình đào tạo và đào tạo lại người lao động phù hợp công nghệ mới theo hình thức đặt hàng cho doanh nghiệp và nhà trường phối hợp.
Bên cạnh đó, ông Hồng cho rằng cần có chính sách hợp lý giữa tạo việc làm, lương tối thiểu và tỉ giá nhằm giúp doanh nghiệp có nguồn lực tập trung trong năm năm đổi mới công nghệ.
Ông Hồng đề nghị tiếp tục giảm lãi suất cho vay, từng bước về mức lãi suất của các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đồng thời, theo ông Hồng, cần nới lỏng các điều kiện vay vốn hoặc triển khai các gói hỗ trợ vốn chuyên biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kèm chính sách tỉ giá phù hợp theo hướng cho hỗ trợ xuất khẩu.
Nguồn Tuổi trẻ.