Ngành dệt may gặp nhiều thách thức

[ad_1]

Thời gian qua, dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn thứ hai của Đồng Nai. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu ngành này trong 6 tháng đầu năm giảm khoảng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất của ngành dệt may trong hơn 10 năm qua.



Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt gần 797,4 triệu USD. Không riêng gì Đồng Nai mà ngành dệt may cả nước cũng đang trong giai đoạn khó khăn với dự báo sẽ khó về đích như kế hoạch đề ra từ đầu năm.

* Chưa “khơi thông” được xuất khẩu

Sản phẩm dệt may của doanh nghiệp (DN) Đồng Nai hiện xuất khẩu vào được trên 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Thế nhưng, thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng trên vẫn là Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong quý I và II của năm nay, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường chính trên hầu hết đều giảm sút. Nguyên nhân là trong tháng 4 và 5-2020, dịch bệnh Covid-19 đang ở đỉnh điểm tại nhiều nước, nhiều quốc gia phải thực hiện cách ly nên nhiều nhà máy, siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tạm đóng cửa. Sản phẩm dệt may và nhiều mặt hàng khác tiêu thụ chậm lại. Các khách hàng buộc phải yêu cầu đối tác tại Đồng Nai cũng như Việt Nam tạm ngưng đơn hàng hoặc kéo dài thời gian nhận hàng.

Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty may Đồng Nai cho biết: “Tình hình xuất khẩu may mặc hiện nay đã khá hơn, nhưng thị trường vẫn chưa khơi thông được hoàn toàn như trước khi xảy ra dịch bệnh. Hiện vẫn còn nhiều DN trên lĩnh vực dệt may gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm”.

Theo các DN dệt may tại Đồng Nai, việc đàm phán các đơn hàng mới hiện rất khó khăn, giao thương vẫn còn hạn chế do dịch bệnh. Hiện DN không thể tự do đi các nước để giới thiệu, đàm phán các đơn hàng cũng là một rào cản lớn trong việc tìm đơn hàng mới.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết: “Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, khoảng 90% sản lượng làm ra của ngành là xuất khẩu và chỉ 10% tiêu thụ tại nội địa. Vì thế, khi các thị trường xuất khẩu lớn giảm nhập hàng tác động rất lớn đến ngành dệt may trong nước. Do đó, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm nay có thể sẽ giảm sâu so với năm trước”.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu thì kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam sẽ giảm 10-25% so với năm 2019, tùy vào tình hình dịch bệnh Covid-19 có được khống chế tốt hay không. Trường hợp các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh trong 6 tháng cuối năm và không để bùng phát trở lại thì dệt may sẽ phục hồi dần từ cuối quý III-2020. Còn nếu dịch bệnh bùng phát trở lại thì ngành dệt may tiếp tục chịu tổn thất nặng nề hơn nữa.

* Thúc đẩy giao thương trực tuyến

Trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh vẫn khá cao, Chính phủ đã chỉ đạo ngành Công thương đẩy mạnh giao thương trực tuyến với các quốc gia nhằm khơi thông thị trường xuất, nhập khẩu, hỗ trợ DN tìm thêm đơn hàng mới.

Tại hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành ngày 2-7-2020, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho hay: “Từ ngày 1-7-2020, Bộ đã phối hợp với các tỉnh, thành thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa để mở thêm thị trường tiêu thụ cho các DN. Đồng thời, Bộ Công thương tiến hành đàm phán trực tuyến với nhiều quốc gia để khơi thông thị trường xuất khẩu”.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam đạt gần 10,6 tỷ USD, giảm 13,6% (tương ứng giảm 1,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Tại Đồng Nai, mức giảm của ngành dệt may cao hơn bình quân chung của cả nước khoảng 3%. Tuy nhiên, từ tháng 5 đã có sự phục hồi dần so với những tháng trước đó. Cụ thể, tháng 5-2020, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trên địa bàn tỉnh là 107 triệu USD, tăng 5 triệu USD so với tháng 4-2020 và tháng 6-2020 đạt trên 138 triệu USD, tăng 31 triệu USD so với tháng 5.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ: “Sản phẩm dệt may của Đồng Nai chủ yếu là xuất khẩu nên khi xảy ra đại dịch Covid-19 đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vì thế, vừa qua tỉnh đã phối hợp với Bộ Công thương đăng ký cho DN giao thương trực tuyến với các đối tác nước ngoài. Đồng thời, hỗ trợ DN mở rộng tiêu dùng nội địa bằng cách tham gia các hội chợ, triển lãm…”.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng mở các đợt giao lưu trực tuyến với các tập đoàn nước ngoài để hỗ trợ DN dệt may trong nước tìm thêm đối tác xuất khẩu sản phẩm. Cụ thể, tới đây sẽ có đợt trao đổi trực tuyến với DN Hà Lan về xuất khẩu quần áo thể thao và DN Đồng Nai hoạt động trong lĩnh vực này có thể đăng ký tham dự.         

Uyển Nhi

 

.

[ad_2]