Kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường xuất khẩu

[ad_1]

Đến nay hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, khôi phục xuất khẩu…

Sản xuất tại Công ty Long Hao (KCN Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên)

Vượt qua thách thức

Theo đánh giá của ngành công thương, đến nay hầu hết DN trong tỉnh đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tình hình xuất nhập khẩu đến cuối quý II-2020 đã có nhiều khởi sắc, DN đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và một số nước châu Âu. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc đang dần khôi phục, khó khăn về thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất cơ bản được cải thiện. Tuy nhiên, hầu hết các DN còn đang gặp khó khăn trong việc thiếu nguồn lực để đầu tư tái sản xuất, thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu mới do các thị trường xuất khẩu phục hồi chậm. Đó cũng là nguyên nhân các chỉ số phát triển kinh tế ngành công thương 6 tháng đầu năm 2020 tăng chậm so với cùng kỳ và so với kế hoạch đề ra, nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân của cả nước.

Tuy vậy, các DN hiện vẫn đối mặt với nhiều thách thức, dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát hiệu quả, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp và chưa được kiểm soát tốt, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của DN. Hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được do khách hàng không nhận hàng hoặc chậm thanh toán tiền hàng. Tính đến hết quý II- 2020, dịch bệnh đã làm gián đoạn tình hình xuất nhập khẩu toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu chính, như: EU, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN…

Lạc quan sự hồi phục của thị trường

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của tỉnh 6 tháng đầu năm ước đạt 1.787 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 14,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (Bifa), trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, ngành gỗ tuy ít chịu tác động về nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn bị ảnh hưởng mạnh do nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới giảm mạnh, hàng hóa không xuất khẩu được. Nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn giao hàng do chính sách đóng cửa biên giới và tạm ngưng các hoạt động kinh doanh – thương mại (ngoại trừ các hàng hóa thiết yếu). Nhiều DN phải cắt giảm quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng, đơn hàng xuất khẩu mới giảm mạnh so với cùng kỳ.

Trong 6 tháng cuối năm, các DN kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của ngành chế biến gỗ sẽ được kiểm soát tốt. Thêm vào đó, các DN cũng kỳ vọng vào các hiệp định thương mại được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng xuất khẩu từ các nước thành viên. Kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm với mức tăng trưởng dự kiến đạt từ 7% – 10% so với cùng kỳ.

Ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do tác động của dịch bệnh Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 908,9 triệu USD, giảm 22,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các DN sản xuất gặp khó khăn kép từ cả hai phía: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính nhất là thị trường Mỹ, châu Âu. Dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ. Đến nay, trước những thành công đạt được từ công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam, cộng thêm các cam kết cắt giảm thuế quan ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (dự kiến trong giữa quý III-2020) sẽ là đòn bẩy quan trọng để thu hút đơn hàng xuất khẩu giày dép từ thị trường châu Âu.

Do đó, các chuyên gia dự báo kim ngạch xuất khẩu trong quý III và quý IV-2020 sẽ quay đầu đạt mức tăng trưởng trở lại. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình cho biết, xuất khẩu giày dép sang thị trường Mỹ, Nhật Bản… được dự báo có cơ hội tăng trưởng sau thời kỳ dịch bệnh. DN cần nắm bắt cơ hội để có thêm khách hàng, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ngay khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế.

Cũng như ngành sản xuất giày dép, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may trong dịch bệnh Covid-19 cũng gặp nhiều khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu và hợp đồng xuất khẩu mới giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1.247 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đến cuối quý II- 2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều DN đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây, đồng thời ký kết thêm các đơn hàng xuất khẩu mới trong quý III-2020. Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao. Đến cuối năm 2020, tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng dệt may phấn đấu tăng trưởng từ 10% – 12% so với cùng kỳ.

Ông Lê Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, gần đây, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đầu tư dự án mới hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất sợi, dệt may, giày da, chế biến gỗ… Với quy mô và tiềm năng của các luồng đầu tư này, Việt Nam có cơ hội trở thành điểm trung chuyển, kết nối các hoạt động thương mại – đầu tư của các đối tác lớn tại khu vực ASEAN… Ngoài ra, các hiệp định thương mại còn giúp thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo điều kiện để các DN thu hút công nghệ nguồn.

 

TIỂU MY

 

 

[ad_2]