Khó về thủ tục, doanh nghiệp chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ

[ad_1]

Covid-19 tràn qua khiến hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, nhưng hiện nay họ vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ từ Chính phủ.



.
Nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ chủ yếu do các quy định điều kiện được hưởng các chính sách rất khắt khe, doanh nghiệp khó đáp ứng được.

Mong ngóng hỗ trợ

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, tổng cầu ngành da giày đã bị tác động từ lúc mới bùng phát Covid-19. Các doanh nghiệp lớn giảm tới 50% đơn hàng, doanh nghiệp nhỏ đóng cửa la liệt. Tình hình này kéo theo hệ lụy là doanh nghiệp phải cắt giảm đến 30% nhân công, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 70% nhân công.

“Doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được hỗ trợ”, bà Xuân cho hay.

Theo bà Xuân, nếu đến tháng 10/2020 dịch bệnh qua đi, kinh tế dần phục hồi thì doanh nghiệp vẫn có thể cầm cự, nhưng nếu tình hình tệ hơn, dịch bệnh kéo dài đến năm sau thì Nhà nước phải có phương án khẩn cấp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó.

Ngành dệt may cũng không khá hơn. Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Quý I/2020, ngành dệt may đã tăng trưởng âm hơn 2%; trong 4 tháng đầu năm âm khoảng 4,7%, đến 5 tháng âm khoảng 14,6; 6 tháng thì âm tới 16,67%. Mỗi tháng trôi qua, tăng trưởng của ngành lại càng âm và con số này chưa biết đến bao giờ mới dừng lại. Dệt may là ngành chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19”.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, dịch bệnh đã làm giảm sút lượng đơn hàng lớn, doanh nghiệp không có nguồn thu, khiến vấn đề chi trả lương cho nhân viên, chi phí đào tạo nâng cao tay nghề nhân công hay đầu tư thiết bị đều trở nên khó khăn.

Đối với vấn đề đầu tư thiết bị, ông Dương cho biết, nhiều nước giảm lãi suất cho doanh nghiệp về 0%, nhưng ở Việt Nam vốn vay lãi suất tới 10% thì doanh nghiệp không thể đủ chi phí, đặc biệt là trong tình trạng ảnh hưởng của dịch bệnh. Do vậy, doanh nghiệp rất mong được hưởng lãi suất ưu đãi để đầu tư thiết bị hiện đại hơn có thể đáp ứng được nhiều thị trường khó tính.

“Hậu Covid-19, muốn phát triển sản xuất thì Nhà nước và tất cả ngành phải vào cuộc, giảm các chi phí thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được. Bản thân doanh nghiệp đã rất cố gắng, bươn trải để giữ lao động, giữ việc làm cho người lao động, nhưng rất cần sự hỗ trợ vào cuộc của các ngân hàng”, ông Dương bày tỏ.

Thủ tục khó khăn

Theo phản ánh của ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty Agricare Việt Nam, khó để tiếp cận các gói hỗ trợ, bởi thủ tục rất khó khăn.

“Trước ảnh hưởng của Covid-19, doanh nghiệp cần phải tồn tại thì sau này mới có thể phục hồi được sản xuất. Chúng tôi cần phải sống, cần được hỗ trợ, nhưng hầu hết các chính sách hỗ trợ chỉ thấy nói trên tivi. Thủ tục vay tương đối khó khăn nên chúng tôi rất khó tiếp cận, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Thắng than thở.

Nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ chủ yếu do các quy định điều kiện được hưởng các chính sách rất khắt khe, doanh nghiệp khó đáp ứng được. Chẳng hạn, với gói hỗ trợ tín dụng, có ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp  phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ.

Còn đối với các gói hỗ trợ về gia hạn, tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, kinh phí công đoàn đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, có quy định điều kiện để doanh nghiệp được hưởng là “50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp  phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh”. Để chứng minh thiệt hại 50% là vô cùng phức tạp và mất thời gian…

Nói  rõ hơn về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho biết, nếu trong các chính sách hưởng hỗ trợ lao động vẫn còn điều kiện doanh nghiệp phải ngừng việc 50% lao động, dừng sản xuất 50%, giảm tổng tài sản 50%, thì gần như doanh nghiệp đó đã phá sản…

Theo ông Lập, chỉ cần người lao động trong doanh nghiệp đã có khai thuế mà phải ngừng việc thì được hỗ trợ ngay. Bởi nếu phải giải trình những điều kiện đi kèm sẽ rất lâu.

Để khắc phục những khó khăn khi chưa nhận được hỗ trợ, theo ông Đàm Quang Thắng, doanh nghiệp vẫn phải tìm đường sống, vì thế việc cắt giảm chi phí là biện pháp chính.

Ngoài ra, trong bối cảnh hậu Covid-19, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm thị trường. Nhưng đây lại là vấn đề khó, bởi không ai có thể biết được bao giờ Covid-19 mới kết thúc.

Về lâu dài, ông Thắng cho rằng, doanh nghiệp nên xác định việc chuyển đổi số là vấn đề bắt buộc. Chính phủ cần có những hỗ trợ doanh nghiệp hạ tầng để các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia chuyển đổi số.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã đưa ra một số gợi ý chính sách trong thời gian tới. Theo ông Lực, Chính phủ cần thực hiện mục tiêu kép của năm 2020 là phòng chống Covid-19 và khôi phục kinh tế. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ. Đồng thời, tìm kiếm động lực tăng trưởng mới như thúc đẩy xuất khẩu các thị trường tiềm năng ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; tăng giải ngân đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân; kích cầu tiêu dùng nội địa…

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chính phủ đã đưa ra những chủ trương, giải pháp và những gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua Covid-19. Song thực tế cho thấy, phần lớn doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ. Hiện VCCI đã có những đánh giá độc lập, báo cáo Chính phủ về hiệu quả của chính sách.


[ad_2]