Hứng chịu cú đánh mạnh từ COVID-19, cổ phiếu dệt may giảm sâu

[ad_1]

Cổ phiếu doanh nghiệp dệt may ảnh hưởng nặng nề từ những diễn biến mới của đại dịch toàn cầu, trong giai đoạn này, nhu cầu từ Châu Âu và Bắc Mỹ sụt giảm sâu, các đơn hàng liên tục bị hoãn, hủy…

Cổ phiếu dệt may lao dốc bỏ quên những kì vọng của nhà đầu tư - Ảnh 1.

Vinatex cũng đưa ra giả thiết, nếu dịch COVID-19 kết thúc cuối tháng 5, và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính Ngành Dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỉ đồng.

Cổ phiếu dệt may lao dốc

Hứng chịu cơn bão kép từ dịch COVID-19, hầu hết các mã cổ phiếu ngành dệt may đều giảm sâu so với thời điểm trước kì nghỉ Tết Nguyên Đán.

Đơn cử như cổ phiếu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) đã giảm gần 27% kể từ thời điểm cuối tháng 1, hiện chỉ còn 6.000 đồng mỗi đơn vị. Các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của CTCP Dệt may Thành Công (Mã: TCM) cũng phải chứng kiến cảnh giá cổ phiếu giảm từ 20.650 đồng xuống còn 12.300 đồng, tức giảm hơn 40%. 

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình kinh doanh hai tháng đầu năm của TCM cũng không mấy khả quan. Cụ thể, doanh thu đạt 494 tỉ đồng, giảm 21% và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 19 tỉ đồng, giảm 63% so với cùng kì năm trước.

Cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng cũng giảm từ 43.200 đồng xuống 26.650 đồng mỗi đơn vị, tương ứng với mức giảm 38% kể từ sau kì nghỉ Tết.

Hứng chịu cú đánh mạnh từ COVID-19, cổ phiếu dệt may giảm sâu - Ảnh 2.

Diễn biến cổ phiếu các doanh nghiệp dệt may từ sau Tết Nguyên Đán. Ảnh: VNDirect

Một cổ phiếu dệt may giảm mạnh khác là cổ phiếu của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG), bốc hơi gần một nửa còn 8.700 đồng.

Được biết, doanh thu mảng xuất khẩu chiếm tới 90% giá trị trong cơ cấu doanh thu của TNG, trong đó Pháp và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của công ty, lần lượt chiếm tỉ trọng khoảng 39% và 30%.

Cập nhật tình hình kinh doanh 2 tháng đầu năm, ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch TNG, cho biết các đơn hàng từ khách hàng truyền thống của TNG như Decathlon (Pháp) tăng 29%, Spormaster (Nga) tăng 73% so với năm trước.

Ngoài ra, theo ông Thời, các khách đều muốn tăng đơn hàng, đơn cử như Spormaster đề nghị tăng giá trị đơn hàng lên 15 – 20 triệu USD, gấp ba lần mức hiện nay, bằng giá trị công suất 1 nhà máy của TNG.

Về vấn đề nguồn nguyên liệu, theo chia sẻ của TNG, đa số đơn hàng của TNG là sản xuất FOB nên vẫn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, đảm bảo đủ sản xuất đến hết quí II/2020. Công ty cho biết cũng đang cùng khách hàng tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế từ Pakistan cũng như trong nước. Tuy vậy, những thông tin tích cực kể trên vẫn không thể giúp cho TNG tránh khỏi việc giá cổ phiếu giảm sâu. 

Ngành dệt may hứng chịu cơn bão kép vì COVID-19

Theo số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong ba tháng đầu năm 2020 ghi nhận sự suy giảm rõ rệt. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may quí I/2020 đạt gần 6,5 tỉ USD, giảm 9% so với cùng kì. Tính riêng trong tháng 3/2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 1,8 tỉ USD, giảm tới 29%.

Trước đó, nhiều nhà đầu tư kì vọng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cùng các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp ngành dệt may tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020 và giá cổ phiếu theo đó cũng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, sự bùng phát của virus corona (dịch COVID-19) xuất phát từ Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với khả năng thiếu hụt nguồn nguyên liệu trong giai đoạn đầu năm 2020.

“Với ngành dệt may của Việt Nam, Trung Quốc đóng vai trò cung cấp nguồn đầu vào rất lớn bởi hàng năm nhập khẩu khoảng 60% vải, hơn 55% xơ sợi và khoảng 45% phụ liệu”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam – ông Trương Văn Cẩm cho biết.

Từ giữa tháng ba, khi các nhà máy Trung Quốc tái khởi động, nguồn cung nguyên liệu bắt đầu được nối lại. Các doanh nghiệp dệt may bắt đầu tăng tốc sản xuất trong nửa cuối tháng 3 và 4 để bù lại thời gian gián đoạn thiếu nguyên phụ liệu, kịp tiến độ giao hàng cho khách, đồng thời gỡ lại phần doanh thu sụt giảm của giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, chưa kịp ổn định sản xuất thì mới đây doanh nghiệp dệt may được thông báo một số khách hàng lớn từ EU và Mỹ có thông báo xin hoãn, lùi, dừng kí mới các đơn hàng. 

Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), việc các đối tác dừng đơn hàng “là khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động” của Tập đoàn. Theo tính toán của ông, số lượng đơn bị huỷ tương đương với năng lực sản xuất trong nửa tháng của nhiều đơn vị trực thuộc Vinatex, khoảng 3 – 3,5% sản lượng cả năm 2020.

Vinatex cũng đưa ra giả thiết, nếu dịch COVID-19 kết thúc cuối tháng 5, và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính Ngành Dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỉ đồng, con số này với riêng tập đoàn vào khoảng 1.000 tỉ đồng.

[ad_2]