Ngày 23/1, cuộc họp tại Tokyo (Nhật Bản) trở thành cột mốc đáng nhớ, khi 11 nước thành viên (chiếm 13,5% nền kinh tế toàn cầu) đạt tiếng nói chung, chấp nhận tạm đóng băng các điều khoản tranh chấp để đi đến một dự thảo cuối cùng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – thỏa thuận thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo đó, các bên đã thống nhất và ấn định thời điểm ký kết hiệp định CPTPP là ngày 3/8/2018 tại Chile. Thông tin này đã tác động tích cực trong ngắn hạn đến các cổ phiếu ngành dệt may Việt Nam – lĩnh vực kỳ vọng được hưởng lớn từ hiệp định đa phương CPTPP.
Mở rộng cánh cửa
Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam năm 2017 đạt 31 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2016. Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với tỷ trọng trên 48% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 12,58 tỷ USD, theo sau là các thị trường lớn khác như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là kết quả rất đáng khích lệ của ngành dệt may khi năm 2017 có nhiều khó khăn, nhất là việc Mỹ rút khỏi TPP, khiến quá trình đàm phán gặp trở ngại.
Hiện tại, mặc dù vắng Mỹ, CPTPP vẫn được kỳ vọng sẽ có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thương mại Việt Nam, khi các rào cản thương mại hàng hóa và dịch vụ dự kiến sẽ được cắt giảm ở các thị trường. Việt Nam sẽ được tiếp cận những thị trường mới và mở rộng xuất khẩu tại các nước như Canada, Mexico và Peru – những quốc gia hiện tại chưa có thỏa thuận thương mại. Chưa kể, các đơn hàng dệt may có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam để tận dụng lợi thế của CPTPP.
Trong năm 2016, giá trị nhập khẩu dệt may của 6 quốc gia thuộc khối CPTPP bao gồm Australia, Canada, Mexico, New Zealand, Chile, Peru là 39,3 tỷ USD. So với năm 2015, giá trị nhập khẩu dệt may của 6 nước thành viên CPTPP đều sụt giảm (-2,8%), chỉ duy nhất New Zealand là ghi nhận mức tăng trưởng dương (+1,9%). Các chuyên gia thị trường kỳ vọng, khi CPTPP được thông qua, hoạt động xuất khẩu dệt may sẽ được đẩy mạnh trong nhóm, tạo cơ hội cho các quốc gia nội khối, trong đó có Việt Nam, giảm bớt sự ảnh hưởng của Trung Quốc.
Giá cổ phiếu hưởng ứng
Ngay khi có thông tin mới về CPTPP, hàng loạt cổ phiếu dệt may Việt Nam – chủ yếu lình xình đi ngang đã có những phiên bứt tốc. Chẳng hạn, GIL – cổ phiếu từng giảm giá sâu từ vùng 6x về 3x và gần như không có biến động lớn trong thời gian qua đã ghi nhận mức tăng giá ấn tượng 17,5%. Cụ thể, từ mức giá khoảng 30.000 đồng/cổ phiếu trong tháng 11/2017, GIL leo dốc lên mức 42.000 đồng/cổ phiếu, trước khi giảm nhẹ về 41.000 đồng/cổ phiếu trong phiên cuối cùng của tháng 1/2018.
Cổ phiếu hiếm hoi trong ngành dệt may duy trì được sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như có những sóng tăng trong năm là TCM của CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công nhờ việc tăng công suất từ nhà máy Vĩnh Long và ghi nhận những khoản lợi nhuận không thường xuyên từ bán đất. Do đó, khi có thêm trợ lực từ CPTPP, đà tăng càng mạnh hơn. Kể từ thời điểm cách đây 1 năm, cổ phiếu TCM đã tăng giá gần 97%.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu VGT cũng ghi nhận đà tăng từ mức 14.143 đồng/cổ phiếu lên 19.432 đồng/cổ phiếu chỉ trong 4 phiên, tương ứng tăng 37%. Kết quả kinh doanh của VGT năm 2017 khá tốt với doanh thu ước đạt 45.550 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 1.434,4 tỷ đồng.
Thực tế, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu dệt may không được dòng tiền chú ý do chủ yếu là doanh nghiệp gia công, biên lợi nhuận thấp và không có mức tăng trưởng hấp dẫn. Cho đến khi có TPP, dòng tiền đã đón đầu cơ hội ở một số cổ phiếu đầu ngành và đương nhiên, khi hiệp định này có nguy cơ bị tạm dừng, động lực tăng trưởng của nhóm đã giảm dần.
Tình hình đang trở nên sáng sủa hơn đối với ngành dệt may khi CPTPP sắp thành hiện thực. Tuy nhiên, để kết luận sự tăng trưởng bền vững của nhóm cổ phiếu này, nhà đầu tư cần có thời gian để CPTPP có thêm những tác động rõ ràng hơn và chứng kiến thành quả của doanh nghiệp trong ngành sau những nỗ lực nâng cao nội lực trong thời gian qua.
Nguồn Báo Đầu tư chứng khoáng.