Số liệu của Tổng cục hải quan cho thấy, năm 2016, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt 5,26 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2015, trong đó, xuất khẩu (XK) sản phẩm dệt may của Việt Nam sang Úc đạt hơn 170 triệu USD tăng 19,5% so với 2015; xuất khẩu da giày đạt gần 210 triệu USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, chuyên gia đánh giá, tiềm năng XK của Việt Nam sang thị trường Úc là rất lớn.
Nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin xuất khẩu vào thị trường Úc, Trung tâm XT, ĐT, TM, DL TP.Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Hội nghị và Triển lãm Quốc tế – International Exhibition and Conference (Úc) tổ chức “Hội thảo giới thiệu tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may, da giày, túi xách, hàng thời trang Việt Nam sang thị trường Úc”.
Đòi hỏi tiêu chuẩn hàng hoá rất cao
Tại “Hội thảo giới thiệu tiềm năng xuất khẩu hàng dệt may, da giày, túi xách, hàng thời trang Việt Nam sang thị trường Úc”, bà Julie – Giám đốc Tập đoàn Hội nghị và Triển lãm Quốc tế Úc, cho rằng, một trong những lợi thế nổi trội nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Úc đó là có vị trí địa lý khá gần so với Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, kể từ sau khi 2 nước tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Úc, New Zealand với ASEAN năm 2009 (AANZFTA) cũng tạo điều kiện cho các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang Úc được thuận lợi hơn rất nhiều. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Úc được hưởng ưu đãi thuế quan so với doanh nghiệp của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, bà Julie cũng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào Úc đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Đó là vấn đề cạnh tranh về giá. Hiện nay, Úc nhập khẩu từ rất nhiều nước khác nhau, cho nên giá phải hợp lý thì mới được chấp nhận tại thị trường này. Mặt khác, chất lượng sản phẩm phải được đảm bảo. Và vấn đề giao tiếp bằng tiếng Anh, khi các công ty xuất khẩu sang Úc thì ngôn ngữ bắt buộc sẽ là tiếng Anh. Cho đến nay, chưa có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam làm tốt điều này.
Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó GĐ Trung tâm xúc tiến, ĐT, TM, DL TP. Hà Nội, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường giàu tiềm năng này. Chính sách thương mại và thuế của Úc khá minh bạch nhưng hàng rào phi thuế quan là các quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm … rất chặt chẽ.
Hơn nữa, đây là thị trường ít dân nên yêu cầu về tiêu chuẩn hàng hóa rất cao. Vì vậy, khá nhiều nhà bán lẻ ở Úc kinh doanh theo chính sách hoàn trả lại tiền hoặc đổi hàng nếu hàng hóa có vấn đề về chất lượng hoặc nếu người mua thay đổi ý định mua hàng. Do đó, nhà nhập khẩu Úc không chấp nhận những sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng của họ.
Dệt kim Đông Xuân đã xuất khẩu sang Úc nhiều năm nay, bà Trần Thị Vân, nhân viên pháp chế Công ty cho biết, bên cạnh những thuận lợi như khoảng cách địa lý gần hơn Mỹ và EU, thì vẫn còn nhiều khó khăn khi DN tiếp cận thị trường này. Úc là thị trường đòi hỏi chất lượng cao vì thế để đáp ứng yêu cầu của họ không phải là dễ với DN VN. Đặc biệt, thị trường Úc phát triển đã khá lâu nên thường ổn định loại hàng hoá cũng như nhà cung cấp, nên DN Việt mới vào cạnh tranh khá khó khăn…
Bổ sung thêm, TS. Trần Văn Quyền, Tổng thư ký Hội Len VN (VWP) cho rằng, Úc không có đơn hàng lớn như Mỹ, Châu Âu nhưng họ lại đòi hỏi rất cao về nguồn gốc sản phẩm: có xác nhận nhà máy, phải kiểm định chắc chắn, tin tưởng sau đó mới đặt hàng.
Một nghịch lý hiện nay, DN Việt khi đã có chứng chỉ xác định tại nhà máy thì cơ bản là DN lớn nên họ cũng không muốn bán hàng khi có đơn đặt hàng nhỏ tại Úc. Còn với DN nhỏ VN, họ muốn xuất khẩu sang thị trường này nhưng hầu hết vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường Úc.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ – tận dụng được ưu đãi trong AANZFTA
Để đưa được sản phẩm dệt may, da giày vào thị trường Úc, các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên lập hệ thống phân phối riêng, có hệ thống phân phối chuyên biệt, độc quyền.
Theo bà Julie, quần áo may mặc, da giầy Việt Nam rất có tiềm năng hiện diện tại thị trường Úc và tiềm năng lĩnh vực này còn rất lớn. Chất lượng sản phẩm VN xuất khẩu sang Úc hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng Úc.
“Hàng hoá VN sang Úc nhiều nhưng sự giao lưu trực tiếp giữa người mua hàng và người bán hàng còn ít. Do vậy, DN Việt cần tiếp xúc với khách hàng Úc nhiều hơn nữa thông qua các kỳ triển lãm, hội chợ… để tìm hiểu sâu hơn, hiểu được nhu cầu, thị hiếu người dân Úc”, bà Julie nói.
Còn theo bà Mai Anh, chúng ta cần nâng cao hiệu quả triển khai Hiệp định AANZFTA bằng cách tận dụng những thỏa thuận trong AANZFTA về hỗ trợ tài chính nâng cao năng lực và đào tạo nhân lực cho các cơ quan chức năng để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định. Chính phủ cần đề xuất với phía Úc áp dụng cơ chế “Doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ”, vừa tiết kiệm được thời gian và chi phí xin C/O tạo thuận lợi thương mại. Vì đối với những lô hàng xuất khẩu có trị giá nhỏ, doanh nghiệp rất ngại đến các tổ chức xin cấp C/O. Áp dụng cơ chế này sẽ tăng tỷ lệ tận dụng C/O trong xuất khẩu hàng hóa sang Úc cao hơn.
Chính phủ cần có chính sách cụ thể để phát triển các ngành hàng xuất khẩu chủ lực sang Úc, thông qua sự hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp…
Đối với nhóm hàng dệt may, da giày, cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để đảm bảo cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may giúp giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm do không phải nhập khẩu và kiểm soát được khâu sản xuất nguyên phụ liệu, đồng thời tận dụng được ưu đãi trong Hiệp định AANZFTA do đáp ứng được quy tắc xuất xứ.
Cũng như khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Úc đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, qua đó, Việt Nam nâng cao được sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp này, kết nối và hội nhập được vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và khu vực. Nhờ vậy, sản phẩm chế biến, chế tạo của Việt Nam vừa đáp ứng được quy tắc xuất xứ theo AANZFTA, vừa vượt qua được các rào cản kỹ thuật khắt khe của thị trường này.
Đặc biệt, “cần xây dựng hệ thống các cơ quan quản lý và chứng nhận chất lượng đạt chuẩn từ trung ương tới địa phương, tiêu chuẩn cho hàng hóa và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế. Kiểm soát chặt chẽ từ khâu nguyên liệu tới thành phẩm. Chú trọng nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý chất lượng thông qua đào tạo nguồn nhân lực và nâng cấp, trang bị máy móc hiện đại để có kết quả kiểm tra chính xác, tương thích với các nước phát triển”- bà Mai Anh nhấn mạnh.
Hội chợ triển lãm nguồn hàng Quốc tế Úc 2017 – “Australia International Sourcing Expo 2017” được tổ chức tại Sydney, Úc vào tháng 11 năm 2017. Đây là nơi các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Úc, New Zealand và quốc tế. |