Gỡ vướng trong tái cơ cấu, giãn nợ cho doanh nghiệp

[ad_1]


Để tháo gỡ vướng mắc trong tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xem xét điều chỉnh Thông tư 01/2020/TT-NHNN phù hợp với thực tiễn.



Do tác động của dịch bệnh, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Do tác động của dịch bệnh, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Gia hạn thời gian trả nợ

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp và ngân hàng mới đây ở TP.HCM, bà Vũ Thị Thu Trang (Công ty Đầu tư Xây dựng Đình Tân) cho rằng, theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết Covid-19. Tuy nhiên, bà Trang đề nghị kéo dài thêm 6 tháng, đồng thời ngân hàng tăng hạn mức cho vay với doanh nghiệp có nhu cầu vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh.

Trong khi đó, ông Trần Lâm Hồng, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã TP.HCM cho biết, công ty ông phải lo một số vấn đề liên quan đến phòng chống Covid-19. “Nhiều người nghĩ, những doanh nghiệp bán lẻ như chúng tôi được hưởng lợi hơn sau dịch bệnh, nhưng thực tế, doanh thu của chúng tôi sụt giảm 30% so với trước đây”, ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, do phải đảm bảo trang thiết bị chống dịch, nên hàng hóa tồn kho của công ty ông rất lớn, trị giá khoảng 400 tỷ đồng. Theo tính toán, không biết đến bao giờ, số hàng này mới được giải phóng, nhưng vì trách nhiệm, doanh nghiệp phải làm. Vì thế, doanh nghiệp cần có sự chia sẻ và gia hạn nợ từ ngân hàng.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may TP.HCM cho hay, Việt Thắng Jeans đã được giảm lãi 1,3-1,5%, được hỗ trợ bởi Vietcombank và Agribank. Song để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may nói chung, ngân hàng cần xem xét giãn thời hạn thanh toán, điều chỉnh thời gian trả nợ không vượt quá 24 tháng cho doanh nghiệp, thay vì chỉ 12 tháng như Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Sẽ tiếp thu và điều chỉnh phù hợp

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, không có thông tư nào được xây dựng trong 14 ngày và đi vào cuộc sống nhanh, không để dòng chảy vốn bị đình trệ như Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng thương mại phải hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nên ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận thu về.

“VietinBank cam kết lợi nhuận từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng, chúng tôi phải chắt chiu để chia sẻ với doanh nghiệp”, ông Dũng nói. Theo ông, doanh nghiệp nên hoàn thiện các hồ sơ, chứng minh bị thiệt hại do dịch bệnh để ngân hàng hỗ trợ. Nếu doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị thủ tục tái cơ cấu, giãn nợ phiền phức, thì ngân hàng khó hỗ trợ.

Về kiến nghị kéo dài thời gian cơ cấu nợ lên 24 tháng, Phó thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cho hay, NHNN sẽ tiếp thu và xác định cụ thể sao cho phù hợp. Nguồn hỗ trợ từ phía ngân hàng không phải từ gói tín dụng nào cả, mà từ sự huy động tiền gửi của chính các ngân hàng. Nguồn thực hiện các gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 1- 2% cũng là cắt giảm từ chi phí, lợi nhuận, thậm chí là tiền lương của nhân viên ngân hàng. Vì thế, doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại để ngân hàng nhìn thấy được đầy đủ hơn năng lực tài chính, nguồn trả nợ của doanh nghiệp.

“Ngành ngân hàng sẽ thực hiện các quy định thông thoáng hơn, nhưng vẫn đảm bảo hành lang pháp lý, không để nợ xấu tái diễn và an toàn cho hệ thống. NHNN không chỉ quan tâm đến doanh nghiệp khó khăn, yếu kém, mà quan tâm tới cả doanh nghiệp khỏe, có khả năng bứt phá để phát triển. Thông tư 01/2020/TT-NHNN không phải là bất biến, NHNN sẽ xem xét để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn”, ông Tú nói.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), do tác động của dịch bệnh, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Dịch bệnh khiến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào công nghiệp chế biến – chế tạo, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, giáo dục – đào tạo…

Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 150.000 khách hàng với dư nợ trên 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới hơn 680.000 khách hàng với dư nợ hơn 25.000 tỷ đồng.

Riêng trên địa bàn TP.HCM, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 158.726 khách hàng với dư nợ 48.325 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 17.448 khách hàng với dư nợ 45.096 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt 166.082 tỷ đồng cho 43.487 khách hàng.


[ad_2]