Giúp doanh nghiệp dệt may tận dụng cơ hội

[ad_1]

(HNM) – Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp dệt may hiện đang gặp khó về đầu ra cho sản phẩm truyền thống nên đã chuyển sang làm khẩu trang để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch. Theo Bộ Công Thương, ngành Dệt may có thể sản xuất 150-200 triệu khẩu trang vải/tháng. Vì vậy, việc sản xuất khẩu trang vải sau khi đã cung ứng đủ nhu cầu trong nước, có thể xuất khẩu, khi nhiều quốc gia trên thế giới cũng cần khẩu trang để ứng phó với dịch Covid-19.

Song mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và một số doanh nghiệp phàn nàn về việc gặp khó khăn trong xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn, do mất nhiều thời gian để hải quan phân biệt, xác nhận đâu là khẩu trang vải bình thường và đâu là khẩu trang y tế.

Theo ngành Hải quan, trước diễn biến dịch Covid-19, mặt hàng khẩu trang y tế không được phép xuất khẩu. Nhiều đối tượng đã lợi dụng khai báo gian dối khẩu trang y tế thành khẩu trang vải, nên buộc ngành phải kiểm soát chặt chẽ.

Trong khi đó, về phía ngành Công Thương, ngày 26-3, Cục Xuất nhập khẩu đã có Văn bản số 0309/XNK-CN gửi Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Tập đoàn Dệt may Việt Nam… Theo đó, căn cứ Khoản 1, Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28-2-2020 của Chính phủ về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, các mặt hàng khẩu trang không phải khẩu trang y tế thực hiện theo quy định hiện hành, không cần giấy phép xuất khẩu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, mặt hàng khẩu trang y tế trở nên cấp thiết và vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, không phải không có lý khi ngành Hải quan siết chặt công tác quản lý hoạt động xuất khẩu với mặt hàng này.

Tuy nhiên, các ngành chức năng cần sớm cùng cơ quan Hải quan thống nhất kết luận khẩu trang vải kháng khuẩn có phải là khẩu trang y tế hay không, từ đó giúp các doanh nghiệp tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này.

Trong thời điểm các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, rất cần các cơ quan nhà nước chủ động, kịp thời chung tay tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện cho duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

[ad_2]