[ad_1]
Chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mang lại là tuân thủ các quy tắc về xuất xứ hàng hóa.
Thách thức lớn nhất phải vượt qua
Một trong những thách thức lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập Hiệp định EVFTA chính là quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng trong một loạt các ngành để đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu vào thị trường EU cũng như các điều kiện để được hưởng ưu đãi loại bỏ thuế quan của EVFTA.
Thực tế, những hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU được quy định rất cao.
Ví dụ tiêu biểu phải kể đến là lĩnh vực dệt may. Ông Trương Văn Cẩm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, khi EVFTA đi vào thực thi, ngành dệt may không lo về chất lượng, tiêu chuẩn, nhưng khó khăn nhất là đáp ứng xuất xứ.
“Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu là có, nhưng để hưởng ưu đãi thuế thì dệt may chưa dễ đáp ứng do nguồn vải chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN…, trong khi EVFTA chỉ chấp nhận cho hưởng ưu đãi khi dùng vải sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các thị trường đã có FTA với EU, như Hàn Quốc, Nhật Bản”, ông Cẩm nói.
Trên thực tế, mặc dù xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2019, nhưng ngành dệt may vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu. Vải luôn là mặt hàng đứng đầu trong nhóm nguyên liệu nhập khẩu nhiều tỷ USD của ngành. Năm 2019, nhập khẩu vải 13,5 tỷ USD.
Dùng vải nhập khẩu để may hàng xuất khẩu vẫn được giảm thuế nhưng với điều kiện là lượng vải đó phải được nhập từ châu Âu hay các thị trường mà EU đã có FTA. Về điều này, ngành dệt may càng khó lòng thỏa mãn, bởi 80% vải cho may xuất khẩu hiện đang được ngành dệt may nhập khẩu, trong đó, 50% nhập từ Trung Quốc, 15% từ Đài Loan và chỉ có 18% từ Hàn Quốc.
Chẳng hạn đồ gỗ của Việt Nam muốn vào được EU thì cũng rất cần coi trọng về vấn đề xuất xứ gỗ rừng trồng (chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác).
Một ví dụ khác, vào tháng 10/2017, Việt Nam đã phải nhận “thẻ vàng” cảnh báo từ Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không theo báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Nếu không cải thiện, nguy cơ sẽ bị giơ “thẻ đỏ”, tức là cấm hoàn toàn việc xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào EU.
Hiệp định thương mại EVFTA quy định các yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Cụ thể, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc EU) nếu đáp ứng được một trong các yêu cầu mà hai bên đã thống nhất: “Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu. Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của bên xuất khẩu nhưng đáp ứng được các yêu cầu như hàm lượng giá trị nội địa không dưới 40%…”.
Điều đáng nói, Việt Nam hiện cũng chưa có quy định về bộ tiêu chí, cũng như tỉ lệ nội địa hóa để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Doanh nghiệp lúng túng
Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa thuộc cục Xuất nhập khẩu, cho biết trong quá trình làm việc họ nhận thấy nhiều doanh nghiệp còn lúng túng về các quy tắc liên quan tới xuất xứ hàng hoá, đặc biệt là ở những điểm mới về quy định xuất xứ theo EVFTA.
Bà Hiền lưu ý, so với các FTA Việt Nam tham gia, quy tắc xuất xứ hàng hóa theo EVFTA có một số điểm mới. Theo đó, ở danh mục quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR), EVFTA xây dựng danh mục theo mã HS 2 số, khác với một số FTA khác của Việt Nam có danh mục ở cấp độ HS 6 số. Các quy định mới về cộng gộp mở rộng xuất xứ hay quy định hàng hóa vẫn giữ nguyên xuất xứ sau khi được chia nhỏ lô tại nước không thuộc hiệp định… là những điều doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.
Đại diện cục Xuất nhập khẩu cũng nhấn mạnh, khái niệm xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan từ các FTA không trùng với khái niệm “Made in Vietnam”. “Một sản phẩm có gắn nhãn “Made in Viet Nam” chưa hẳn đã có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam, ngược lại một lô hàng xuất khẩu có C/O chưa chắc gắn mác “Made in Vietnam,” bà Hiền nói với báo chí.
Do đó, đã đến lúc Việt Nam đến lúc Việt Nam phải hoàn thiện bộ tiêu chí Made in Việt Nam.
“Đây cũng là thời điểm thích hợp để xây dựng Bộ tiêu chí về hàng Việt Nam. Bộ tiêu chí cần xác định rõ nguyên tắc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc nào, vì đến nay chưa có hướng dẫn rõ ràng. Việc ban hành sớm sẽ giúp cho doanh nghiệp có sự chủ động trong việc chuẩn bị nguồn lực để hưởng ưu đãi thuế trong EVFTA”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW nhận định.
Đánh giá của bạn:
[ad_2]