Doanh nghiệp dệt may ứng dụng công nghệ xử lý vải nguyên liệu

Các doanh nghiệp dệt may tại Đồng Nai, Tây Ninh ứng dụng công nghệ của ThreadSol (Singapore) đã tiết kiệm 10% chi phí vải nguyên liệu.

Dệt may là một trong số những ngành hàng có tỷ trọng xuất khẩu hàng đầu Việt Nam. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập, nhất là áp dụng công nghệ mới.

Bắt kịp xu hướng của thị trường, một số doanh nghiệp dệt may nước ngoài tại Việt Nam đã áp dụng công nghệ cắt may thông minh IntelloCut và IntelloBuy của tập đoàn Threadsol (Singapore), nhằm tối thiểu hoá lượng vải nguyên vật liệu, tiết kiệm đến 10% chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

Trong đó, nhà máy thời trang FGL, Xuân Tây, Saitex tại Biên Hòa (Đồng Nai), Ocean Sky Apparel (Tây Ninh)… đã ứng dụng công nghệ mới này.

Nhà máy FGL (Biên Hòa, Đồng Nai) – một trong những khách hàng của Threadsol tại Việt Nam áp dụng giải pháp intelloCut thành công.

Đây là các doanh nghiệp gia công cho các hãng thời trang danh tiếng nước ngoài như: Nike, Victoria Secret, Gap và Old Navy, Puma, G-Star và True Religion. Trong đó, riêng Saitex đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 30 triệu USD trong năm 2016.

Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu vải của Việt Nam ước đạt 1,412 triệu USD. Chưa kể chi phí sản xuất và nhân công, số tiền các doanh nghiệp dệt may tiết kiệm được lên đến hơn 141.000 USD sau 2 tháng áp dụng công nghệ mới.

“Trước những sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài, các doanh nghiệp Việt buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng ứng dụng khoa học công nghệ để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa giảm thiểu chi phí sản xuất và gia tăng năng suất lao động của dây chuyền”, đại diện một nhà máy cho hay.

Ông Saurav Ujjain – cố vấn chủ lực khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Threadsol cho biết, xử lý chất thải vải là mối quan tâm lớn đối với tất cả các nhà sản xuất trên toàn cầu. Chi phí cho vải nguyên liệu chiếm đến khoảng 60-70% tổng chi phí sản xuất.

Với công nghệ của ThreadSol sẽ giúp tiết kiệm tới 10% chi phí vải nguyên liệu bằng cách sử dụng các phần mềm. Phần mềm này sẽ đưa ra một phương pháp định lượng chính xác ​​để đảm bảo số vải cần thiết cho một số lượng hàng may mặc nhất định.

Vị này kỳ vọng, công nghệ mới sẽ góp phần mang lại lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp; góp phần đưa ngành dệt may Việt ngang tầm quốc tế.

Nguồn : Vnexpress – Thanh Thư