[ad_1]
Hàng loạt các đơn hàng đã bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may đã “biến nguy thành cơ” nhờ đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu khẩu trang.
Kim ngạch dệt may giảm sâu
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã bị giảm doanh thu 20% trong quý I/2020. Hầu như các doanh nghiệp may xuất khẩu chỉ hoạt động cầm chừng trong tháng 3 và tháng 4, còn tháng 5-6 hoàn toàn chưa có đơn hàng mới. Có tới 100% doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp cắt giảm nhân sự trong tháng 3 và dự kiến 80% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự trong tháng 5. Doanh thu thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng nếu dịch kết thúc vào tháng 5.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong tháng 3 giảm sâu (– 27,2%) so với tháng 3 năm 2019. Tính chung 3 tháng đầu năm nay giảm 9,07% so với cùng kỳ 2019. Trong khi lẽ ra ở điều kiện bình thường sẽ tăng khoảng 9-10%.
Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may chỉ đạt 10,64 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2019; trong đó xuất khẩu hàng may mặc chỉ đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,98%. Xuất khẩu xơ sợi giảm 11,54%; xuất khẩu vải không dệt giảm 22%; xuất khẩu nguyên phụ liệu giảm 6%. Kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân tích về tình hình của ngành dệt may Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2020, ông Trương Văn Cẩm cho biết, dịch COVID-19 tác động đến ngành dệt may Việt Nam trên nhiều phương diện. Nếu ngay từ tháng đầu tiên của năm, doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất thì từ giữa tháng 3 đến nay, doanh nghiệp lại rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng do đối tác tại thị trường Mỹ và châu Âu hoãn, hủy đơn hàng. Thậm chí nhiều đơn hàng đã sản xuất xong, chuyển tới cảng biển lại buộc phải quay về kho do không giao được hàng, doanh nghiệp không gánh được chi phí lưu kho bãi.
Theo ông Trương Văn Cẩm, mức giảm này chưa phản ánh hết thực tế thiếu đơn hàng xuất khẩu của ngành. Con số giảm mạnh phải chờ đến hết tháng 5 và tháng 6, khi lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều nằm trong khoảng thời gian này. Đại diện một số doanh nghiệp dệt may cho rằng, số lượng đơn hàng của đơn vị đều giảm đến 80-90% khi các đối tác từ Mỹ, EU tạm ngừng nhận đơn hàng.
Cơ hội mới
Trong khó khăn do dịch bệnh COVID-19 bất ngờ tạo cơ hội chưa từng có cho dệt may Việt Nam, đó là sản xuất khẩu trang các loại để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang để giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Tại thị trường nội địa, khẩu trang liên tục cháy hàng, người tiêu dùng xếp hàng chờ đến lượt mua khẩu khang của các doanh nghiệp có uy tín, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển hướng sản xuất và phải tối đa hoá công suất. Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng với những tín hiệu khả quan từ các đơn đặt hàng khẩu trang của châu Âu, Mỹ… với doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang đã xuất khẩu là 415,7 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho nhiều ngành kinh tế, đây được coi là cơ hội hiếm hoi để doanh nghiệp dệt may Việt Nam cầm cự, chờ đợi cơ hội phục hồi.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trương Văn Cẩm cũng nhìn nhận, nếu nhìn vào con số hơn 63 triệu USD thu về từ xuất khẩu khẩu trang trong 4 tháng đầu năm với con số doanh thu 40 tỷ USD mỗi năm của ngành dệt may thì giá trị từ việc xuất khẩu khẩu trang trong thời gian qua vẫn còn quá nhỏ.
Khẩu trang là mặt hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn của người sử dụng. Do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng đối với các mặt hàng này. Đặc biệt, đối với các thị trường như EU và Mỹ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Nếu không có các chứng chỉ phù hợp, hàng hóa có thể gặp khó khi nhập khẩu, thậm chí bị trả lại.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã lúng túng khi muốn xin cấp chứng nhận CE và FDA là những tiêu chuẩn phổ biến ở EU và Mỹ, thắc mắc về tổ chức có thẩm quyền cấp chứng nhận, băn khoăn về việc giấy chứng nhận được cấp liệu có được nước nhập khẩu chấp nhận hay không…
Mới đây, Vitas đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo trực tuyến về xuất khẩu dệt may trong bối cảnh dịch COVID -19. Trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp về tiêu chuẩn CE (yêu cầu về an toàn, sức khoẻ và bảo vệ môi trường của EU) và tiêu chuẩn FDA (đảm bảo tiêu chuẩn, quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) để xuất khẩu khẩu trang sang EU, Mỹ, các chuyên gia cho rằng, thông qua việc gắn dấu CE và tiêu chuẩn FDA lên sản phẩm có nghĩa là sản phẩm đó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khoẻ và bảo vệ môi trường của EU và Mỹ.
Một sản phẩm được gắn nhãn CE và tiêu chuẩn FDA đồng nghĩa với việc nó có thể lưu thông tự do trong thị trường châu Âu và Mỹ và được pháp luật của các nước này công nhận. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm phải có dấu CE. Dấu CE chỉ bắt buộc đối với các sản phẩm có thông số kỹ thuật của EU. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang thường thì không cần nhãn CE, nếu xuất khẩu khẩu trang kháng khuẩn, khẩu trang y tế thì cần nhãn CE.
Ông Trương Văn Cẩm cũng lo ngại, khi tình hình dịch bệnh tại một số quốc gia được kiểm soát, sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác cũng là một thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang của Việt Nam. Vì thế, trong thời gian tới cần kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề chất lượng.
Bởi trên thực tế, trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh cấp bách nhiều nước không kiểm tra nhiều, trong khi thực tế chất lượng khẩu trang hàng trong nước hiện không đồng đều. Nếu tình trạng chất lượng như hiện nay còn kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” và cả ngành sẽ đối mặt với tình trạng các nước siết mạnh kiểm soát chất lượng.
Sản xuất khẩu trang có thể nói là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp trong lúc khó khăn như hiện nay, đặc biệt mới đây Chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang…, các doanh nghiệp cần tranh thủ khai thác thị trường châu Âu, Mỹ với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng và uy tín luôn là yếu tố đặt lên hàng đầu.
[ad_2]