[ad_1]
Song, để được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hóa cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ của Hiệp định này.
Cơ hội “vàng” cho DN xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Hiệp định EVFTA được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho DN Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. “Cơ hội lớn nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng ngay sau khi EVFTA có hiệu lực đó là trên 85% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU”, ông Chinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan, hàng hóa cần đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ theo đúng nội dung cam kết trong Hiệp định. Điểm đáng mừng là quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA được xây dựng và đàm phán dựa trên quy tắc xuất xứ trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), là cơ chế ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam nhiều năm nay.
Đáng chú ý, theo cam kết, trong EVFTA cho phép áp dụng cơ chế cấp C/O (C/O mẫu EUR.1) và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tại Việt Nam, thời điểm áp dụng tự chứng nhận xuất xứ do nội luật quy định. Đồng thời, trước khi áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ thông báo tới EU và ban hành hướng dẫn trong nước. Cụ thể về nội dung này, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu lý giải, đối với hàng hóa xuất khẩu thì những lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Quy định này tương tự quy định GSP đã và đang áp dụng. Đối với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp.
Bên cạnh đó, đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước ta thì những lô hàng có trị giá dưới 6.000 Euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ. Đối với lô hàng có trị giá trên 6.000 Euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của EU mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Trong đó, đối với mặt hàng dệt may, ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong thời gian qua, DN dệt may xuất khẩu hàng hóa sang EU theo cơ chế GSP khá nhiều. Trong EVFTA, tiêu chí xuất xứ đối với sản phẩm dệt may là tiêu chí hai công đoạn – “từ vải trở đi”, tức là vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời, trong Hiệp định, sản phẩm dệt may cũng cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể. Chúng ta có thuận lợi là Hiệp định EVFTA cho phép sử dụng linh hoạt 10% sợi hoặc xơ và 8% nguyên liệu dệt may khác không có xuất xứ được sử dụng trong quá trình sản xuất. “Mặt hàng dệt may, được phép cộng gộp xuất xứ với nguyên liệu từ nước không phải thành viên Hiệp định, quy định cho hưởng ưu đãi đối với một số lãnh thổ đặc thù hay chia nhỏ hàng hóa ở nước thứ ba ngoài Hiệp định. Do đó, DN có thể tận dụng triệt để quy định này để tạo ra những lợi thế xuất khẩu cho mình”, ông Cẩm nhấn mạnh.
Quy tắc không mới nhưng phức tạp hơn
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá, các quy tắc xuất xứ trong EVFTA tuy không mới nhưng phức tạp hơn so với so với các FTA khác mà Việt Nam đang tham gia. Ông Chinh cho biết, quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA có nhiều điểm mới hơn, cả về cách diễn đạt tiêu chí và các quy định kèm theo.
Do đó, DN dệt may cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng chuẩn các quy định về để thực thi Hiệp định trong thời gian tới. Đặc biệt, DN phải nắm được những điểm mới về quy định về xuất xứ hàng hóa trong EVFTA như: cơ chế chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, quy định tạm dừng ưu đãi và không cho hưởng ưu đãi thuế quan, quy định về lãnh thổ…
Còn theo đại diện Vitas, thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, ngành dệt may chưa đủ vải chất lượng cao để phục vụ hàng hóa xuất khẩu vào EU, trong khi đó việc mua vải trong nước phải trả thuế VAT 10% đắt hơn so với vải nhập khẩu. Do đó, quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” vẫn là thách thức không nhỏ đối với DN.
Bên cạnh đó, hiện hầu hết các sản phẩm dệt may xuất khẩu đang có mức thuế suất ưu đãi là 9% theo GSP. Vì mức thuế suất cơ bản được EVFTA sử dụng là mức thuế suất theo Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) là 12%, nên phần lớn các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ không được giảm thuế ngay lập tức. Tức là DN xuất khẩu sẽ được hưởng mức thuế suất thấp hơn từ năm thứ 2 kể từ khi EVFTA có hiệu lực (8% đối với các sản phẩm loại B5 và 9% đối với các sản phẩm loại B7 trong năm thứ 2).
Thêm vào đó, ông Cẩm phân tích, để được hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, DN dệt may phải đảm bảo nguyên liệu vải để sản xuất sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU, Hàn Quốc – là những quốc gia đã có FTA với EU. Trong khi đó, hơn 60% vải nhập khẩu vào Việt Nam hiện đến từ Trung Quốc và Đài Loan.
Do đó, để có thể tận dụng hiệu quả cơ hội từ EVFTA, DN dệt may cần tập trung mở rộng công suất sản xuất vải trong hai năm tới, giảm dần phụ thuộc vào vải nhập khẩu để đáp ứng được yêu cầu xuất xứ từ khâu vải trở đi của EVFTA.
Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới, với tổng cầu may mặc tăng trưởng bình quân 3%/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%. Do đó, còn nhiều dư địa để ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. |
[ad_2]