Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2017, tuy nhiên, tới cuối năm, giá trị xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, và được kỳ vọng sẽ còn tăng trưởng mạnh khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực.
Những con số ấn tượng
Sau khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tháng 11/2016, những thông tin và bình luận đầu tiên về việc nền kinh tế lớn nhất thế giới nói “không” với Hiệp định TPP gần như lập tức đã tạo ra hiệu ứng bất lợi cho một số ngành hàng xuất khẩu mạnh của Việt Nam, trong đó có dệt may.
Quý IV/2016 và quý I/2017, nhiều nhà nhập khẩu hàng của Việt Nam từ thị trường Mỹ dường như đều “chựng” lại để thăm dò tình hình và tìm kiếm những nhà cung cấp tiềm năng khác với giá cả cạnh tranh hơn. Sức mua của thế giới đối với hàng dệt may Việt Nam vì vậy đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, bước qua quý II/2017, tình hình bắt đầu chuyển biến theo hướng tích cực.
Kết thúc năm 2017, xuất khẩu toàn ngành ước đạt trên 31 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may đạt 25,9 tỷ USD, (tăng 8,7% so với 2016); xuất khẩu hàng xơ sợi đạt 3,5 tỷ USD (tăng 19,9% so với 2016); xuất khẩu vải cũng đạt xấp xỉ 1,1 tỷ USD.
Đây là những con số được đánh giá cực kỳ ngoạn mục vì nhiều người từng e ngại ngành dệt may lẽ ra phải chịu sức ép lớn do TPP không còn khiến hàng loạt dự án dệt may đón đầu hiệp định này bị trì hoãn.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), riêng giá trị xuất khẩu hàng sơ sợi đã thể hiện sự bứt phá mạnh mẽ của ngành sợi trong nước. Nếu như vào năm 2015, cả nước mới có 5,7 triệu cọc sợi các loại thì đến năm 2017 đã có 8,4 triệu cọc sợi, và con số trên sẽ còn tăng lên nữa trong thời gian tới. Ngay trong năm 2018, sẽ có hàng loạt nhà máy sản xuất vải dệt thoi quy mô lớn và cực kỳ hiện đại ra đời ở Việt Nam.
Ở phía nhập khẩu, nguyên phụ liệu chảy vào Việt Nam cả năm 2017 ước khoảng 18,9 tỷ USD. Nếu chỉ tính nguyên phụ liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu (không tính nhập cho sản xuất và tiêu thụ nội địa) thì kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dệt may cả năm ước khoảng 15,48 tỷ USD, như vậy riêng ngành dệt may có thặng dư thương mại gần 15,5 tỷ USD. Đây là mức thặng dư ấn tượng nhờ hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu ngày càng có hàm lượng giá trị gia tăng lớn.
Con số này còn đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều mặt hàng tuy “có tiếng” là xuất khẩu lớn nhưng nếu trừ giá trị “đầu vào” phải nhập khẩu để sản xuất thì phần thặng dư không còn đáng kể.
Thích nghi bối cảnh mới
Điều gì khiến cho một ngành sản xuất phải liên tục đối mặt với các vụ cáo buộc bán phá giá, bị hụt mất “đầu ra” ở thị trường Trung Quốc với sản phẩm xơ sợi do chính sách tại đây thay đổi, và còn từng bị dự báo là sẽ “choáng váng” vì cú “phanh gấp” của TPP, lại có bước lội ngược dòng ngoạn mục như vậy?
Câu trả lời theo người đại diện cao nhất của VITAS nằm ở những bước chuyển mình hết sức linh hoạt của các DN (DN) trong nước khi đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những DN lớn, có sức ảnh hưởng và tạo ra xu thế dẫn dắt cho toàn ngành. Những thị trường mới của dệt may Việt Nam vì vậy dần được định hình rõ hơn trên bản đồ xuất khẩu năm 2017, với những cái tên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, châu Phi, Trung Đông…
“Tận dụng mọi ảnh hưởng của các hiệp định mà Việt Nam đã, đang và sắp đàm phán chính là đối sách của dệt may Việt Nam”, ông Giang nói về bước đi chung của toàn ngành. Thực vậy, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) đã thay đổi cơ bản cách nhìn của DN tại Việt Nam đối với khu vực này. Trong đó, đóng vai trò tiên phong chiếm lĩnh lại thị trường xứ bạch dương là những DN như Tổng công ty may Nhà Bè, Tổng công ty Đức Giang…
Tương tự, với thị trường Nhật, hai hiệp định thương mại (FTA) lớn với Nhật Bản gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) cũng đã được ngành dệt may tận dụng.
Sắp tới, Hiệp định FTA VN-EU dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực vào giữa năm 2018 được dự đoán cũng sẽ mở ra bước ngoặt mới cho nhiều ngành công nghiệp, trong đó có dệt may. Còn trong tương lai xa, dệt may sẽ còn nhận ảnh hưởng tích cực từ những FTA đang trên đường đàm phán như: Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN cùng 6 nền kinh tế lớn (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zeland), và nhất là “phiên bản mới” của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
“Đây là những hiệp định đang tạo động lực cho các nhà đầu tư ngoại tiếp tục rót vốn vào Việt Nam, bù đắp cho những khâu còn thiếu hụt của ngành dệt may”, ông Giang nhận định thêm.
Thách thức khi sang trang
Tất nhiên, khi các hiệp định tự do thương mại có hiệu lực, nhất là với những FTA thế hệ mới như FTA VN-EU, không phải mọi DN xuất hàng đi các thị trường này đều sẽ được hưởng ưu đãi. Kỳ thực, chỉ có những DN đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu của hiệp định mới được hưởng ưu đãi.
“Đa số DN dệt may vẫn còn là DN nhỏ và vừa. Làm sao để bắt kịp những điều kiện về lao động và môi trường theo cam kết tại các hiệp định này mới là vấn đề đáng lo bởi người mua sẽ xuống tận nhà máy để kiểm tra”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký VITAS băn khoăn nói.
Chưa kể đến một thực tế không chỉ diễn ra ở DN ngành dệt may, đó là hiểu biết của DN nói chung về các FTA vẫn còn khá hạn chế, ngay cả với những nội dung về quy tắc xuất xứ để tận dụng thuế suất ưu đãi tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) vốn đã bắt đầu có hiệu lực từng phần từ năm 2010 và sẽ hoàn toàn xóa bỏ hàng rào thuế quan vào khoảng cuối năm 2020.
Xa hơn nữa, DN Dệt may Việt Nam có thể nhanh chóng trang bị máy móc, công nghệ mới để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng lại phải giải quyết một hệ quả khác là đào tạo, sắp xếp lại số lao động dôi dư – theo một kịch bản lạc quan nhất là không để cho lao động dệt may mất việc.
Còn trước mắt, những thách thức vì thiếu chuyên gia về luật kinh doanh quốc tế để đối phó với các cáo buộc bán phá giá vẫn đang là nỗi âu lo thường trực của không ít DN. Ngoài ra, thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu cũng đang là quan ngại không nhỏ, đặc biệt là sản phẩm từ khâu nhuộm.
Thực tế là các địa phương hiện khá e ngại với những dự án có rủi ro ô nhiễm môi trường nên hiếm nơi nào chỉ cho phép đầu tư vào nhà máy nhuộm. “Chúng tôi đang đề xuất Chính phủ cho lập các khu công nghiệp chuyên về dệt may có hệ thống xử lý nước thải hoàn hảo để đón đầu tư cho ngành nhuộm. Tuy nhiên, không chấp nhận chỉ đầu tư cho khâu ô nhiễm này mà nhà đầu tư phải làm ít nhất từ công đoạn dệt cho tới nhuộm”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai bày tỏ về một lối ra khả dĩ cho nút thắt nguyên liệu.
Dẫu vậy, có thách thức thì mới có phát triển, những người đại diện ngành dệt may Việt Nam vẫn tự tin đặt mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 lên mốc son mới, từ 33,5 đến 34 tỷ USD, tức tiếp tục tăng thêm 10% so với năm 2017.