Trong khi doanh nghiệp nước ngoài đã “nhanh chân” hướng dòng vốn đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam theo phương thức OBM (tự thiết kế, sản xuất và phân phối) nhằm tận dụng tối đa chi phí sản xuất, thì doanh nghiệp Việt vẫn đang loay hoay.
Công ty TNHH Worldon Việt Nam là công ty con (ngành hàng may mặc) 100% vốn của Tập đoàn quốc tế Shen Zhou, đặt tại KCN Đông Nam huyện Củ Chi, TP HCM. Sau khi được cấp giấy chứng nhận tăng vốn 140 triệu USD tại Việt Nam (năm 2014), doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm dệt kim cao cấp nhằm giảm thiểu tới mức thấp nhất chi phí sản xuất và hưởng lợi thuế xuất khẩu 0%.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp và các chuyên gia về dệt may, sản xuất theo phương thức tự thiết kế, sản xuất (ODM) và OBM thì biên lợi nhuận hàng hóa có thể tăng lên 30-40% hoặc 100% tùy loại.
Ngoài ra, ngành dệt may năm 2017 cũng là năm ghi nhận xuất khẩu toàn ngành đạt 31 tỷ USD, trong khi nhập nguyên phụ liệu ước đạt 19 tỷ USD. Nếu trừ đi lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ làm hàng nội địa thì xuất siêu 15,5 tỷ USD, đây là mức cao nhất từ trước tới nay.
Tốc độ tăng trưởng của ngành, dư địa lợi nhuận cao và làm chủ chuỗi cung ứng đang là những “từ trường” hấp dẫn không chỉ doanh nghiệp nước ngoài đã có hoạt động đầu tư vào Việt Nam như Worldon Việt Nam.
Ông David Marshall, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Marshall – một trong 12 quỹ đầu tư hàng đầu của Australia cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang có ý định chuyển các nhà máy dệt từ Bangkok, (Thái Lan) và Hồng Kông (Trung Quốc) sang Việt Nam nhằm tận dụng chi phí sản xuất và hiệu quả đầu tư”.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt Việt Nam đã xác định, để nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu và đem lại giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp không còn cách nào khác đó là thay đổi phương thức sản xuất.
Theo đó, danh nghiệp ngành dệt đã từng bước chuyển mình từ gia công (OEM) lên chủ động nguồn nguyên, phụ liệu (FOB) hay các giai đoạn cao hơn đó là ODM và thậm chí là OBM đang có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, những con số này chưa phải là đa số. Mà thực tế hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội dệt may (Vitas), số doanh nghiệp Việt Nam làm theo phương thức OEM vẫn chiếm tới 70%, doanh nghiệp làm theo phương thức FOB chiếm 20% và doanh nghiệp làm theo hình thức ODM và OBM còn rất khiêm tốn, mới dừng lại ở mức lần lượt là 9% và 1%.