Dệt may hối hả thi công dự án thượng nguồn

[ad_1]

Nhiều dự án sản xuất vải và may mặc xuất khẩu sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào hoạt động trong năm 2020, đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).



.
Ngành dệt may cần đầu tư cơ sở đầu nguồn để tạo được thị trường lớn.

Tăng lực cho ngành xuất khẩu tỷ USD

Nhà máy sản xuất vải và gia công hàng may mặc Whitex – Dung Quất của Tập đoàn Whitex (Malaysia) đóng tại Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP Quảng Ngãi) đang trong những ngày thi công khẩn trương để kịp hoàn thành và đưa vào hoạt động trong tháng 8/2020.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư 40 triệu USD, do Công ty TNHH Whitex Textiles Industries Việt Nam (thuộc Tập đoàn Whitex) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 8 ha, chuyên sản xuất vải (công suất 3.200 tấn/năm) và hàng may mặc (30.000 tấn/năm), xuất khẩu đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ…

Được khởi công cuối năm 2019, nhà đầu tư kỳ vọng khi hoàn thành, nhà máy sẽ tăng lực cho Tập đoàn về xuất khẩu và đón cơ hội thị trường do các FTA mang lại. 

Ông Tan Tong Suan, Tổng giám đốc Công ty TNHH Whitex Textiles Industries Việt Nam cho biết, đây là nhà máy thứ 2 của Tập đoàn Whitex tại Việt Nam, khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động.

Một dự án sản xuất vải khác cũng đặt mục tiêu đưa vào vận hành trong năm nay là Nhà máy sản xuất sợi Xindadong Textiles – Dung Quất của Công ty TNHH Xindadong Việt Nam, thuộc Tập đoàn Xindadong Textiles (Trung Quốc), được khởi công từ giữa năm 2019.

Dự án gồm các dây chuyền công nghiệp kết hợp, có công suất thiết kế 45.000 tấn sợi dệt, 50.000 m vải và khoảng 10 triệu sản phẩm may mặc/năm, tổng vốn đầu tư 65 triệu USD.

Ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Công ty Xindadong Việt Nam đã tuyển nhân sự cho nhà máy. Khi dự án đi vào sản xuất sẽ đáp ứng một phần nhu cầu sợi cho ngành dệt may trong nước và xuất khẩu.

Trong khi đó, Dự án Nhà máy sản xuất sợi và vải Mahang Dung Quất (Quảng Ngãi), do Công ty TNHH Tân Mahang Việt Nam, 100% vốn Trung Quốc cũng có lịch vận hành dự kiến vào tháng 5/2020. Dự án được đầu tư với mục tiêu sản xuất, gia công vải bán thành phẩm (dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt), công suất sợi 4.800 tấn/năm, công suất vải 36 triệu m2/năm, tổng vốn đầu tư 605 tỷ đồng.

Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Ngành dệt may có được năng lực sản xuất quy mô gần 45 tỷ USD như hiện nay, một phần quan trọng là nhờ vào nguồn vốn FDI. Các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… đã giúp ngành dệt may gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng thấp hơn mục tiêu (hụt  1 tỷ USD) do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Dù thị trường xuất khẩu ít nhiều bị ảnh hưởng vẫn không làm giảm lượng vốn FDI vào ngành xuất khẩu tỷ USD này.

Những con số về thu hút FDI trong năm 2019 tiếp tục cho thấy, dệt may vẫn là lĩnh vực hút vốn lớn. Trong đó, 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có lượng vốn đầu tư lớn nhất vào ngành dệt may lần lượt là: Hồng Kông (447 triệu USD), Singapore (370 triệu USD), Trung Quốc (270 triệu USD), Hàn Quốc (165 triệu USD), Seychelles (103 triệu USD).

Điểm đặc biệt trong dòng vốn FDI vào dệt may trong năm qua là sự vượt trội của lượng vốn vào các dự án nguyên liệu, trong đó có tới 90 dự án vào mảng dệt, tổng vốn 1,245 tỷ USD. Tiếp đến là lĩnh vực nhuộm với 24 dự án, tổng vốn đăng ký 673,3 triệu USD, 109 dự án may với 587,2 triệu USD, 45 dự án sợi với 640,4 triệu USD, 3 dự án sản xuất xơ với tổng vốn đăng ký 1,3 triệu USD.

Vốn vào các dự án thượng nguồn gia tăng mạnh so với việc chỉ đầu tư vào may mặc, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thức khác về việc đầu tư mảng nào để nhận ưu đãi.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, ngành dệt may cần đầu tư cơ sở đầu nguồn để tạo được thị trường lớn. Các FTA thế hệ mới như CPTPP, hay EVFTA đưa ra quy tắc xuất xứ chặt chẽ, nhưng về lâu dài lại gia tăng giá trị nội địa cho hàng xuất khẩu. Các FTA đi vào thực thi sẽ giúp các nhà đầu tư nhìn ra tiềm năng và đến Việt Nam đầu tư. 

Quan trọng hơn, với việc chủ động nguồn sợi, vải, sản phẩm của các doanh nghiệp này sẽ đáp ứng điều kiện xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan khi các FTA thế hệ mới như CPTPP, hay tới đây là EVFTA có hiệu lực.

Nhìn về bản chất, các doanh nghiệp FDI đang đóng góp khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp FDI là chủ thể chính của những ưu đãi hội nhập do khả năng cung ứng nguyên liệu theo cam kết của các FTA cao hơn doanh nghiệp trong nước.

Ngành dệt may phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ bông, xơ sợi, vải, máy móc, thiết bị, đến các loại nguyên vật liệu và phụ kiện. Với các quy định về nguyên liệu trong CPTPP (phải đảm bảo từ khâu sợi trở đi) và EVFTA (từ khâu làm vải đến cắt và may tại Việt Nam), các công ty may mặc không có chuỗi giá trị tích hợp đầy đủ ở Việt Nam sẽ tự làm giảm ý nghĩa của các FTA.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Lê Tiến Trường phân tích, từ năm 2019, các nhà mua hàng lớn đặt ra nhiều hàng rào kỹ thuật để sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống cung ứng toàn cầu. Ngoài các tiêu chí về môi trường, sản xuất xanh, tiết kiệm nguồn tài nguyên không tái tạo được như nước, điện, sử dụng các nguyên vật liệu tái chế, với các đặc trưng mới của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, chỉ có các doanh nghiệp tham gia chính thức vào chuỗi, được doanh nghiệp đầu chuỗi đánh giá mới có được đơn hàng sản xuất ổn định, giá cả hợp lý nhất do được san sẻ lợi nhuận từ các khâu có tỷ lệ cao như thiết kế, phân phối sang cho khu vực sản xuất.

“Trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu, và cạnh tranh để duy trì được vị trí đó là nhiệm vụ bắt buộc để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững”, ông Trường nhấn mạnh.


[ad_2]