Cửa rộng, tường cao và áp lực cải cách

[ad_1]

Ngoài yêu cầu về quy tắc xuất xứ, các cam kết về môi trường, lao động trong EVFTA cũng khiến con đường đưa hàng hóa Việt Nam vào EU trở nên khó khăn hơn.



.
.

Cửa rộng, tường cao

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020) và điều này sẽ góp phần quan trọng tạo cú hích lớn để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU. Theo tính toán, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có dễ được hưởng lợi từ EVFTA hay không? Câu trả lời là không dễ. Ngoài các vấn đề về thị trường, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khiến Việt Nam chưa thể ngay lập tức đẩy mạnh xuất khẩu vào EU trong năm nay, thì theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), muốn đưa được hàng vào châu Âu, doanh nghiệp Việt phải vượt qua hàng loạt “rào cản” nghiêm khắc.

Vấn đề không chỉ nằm ở các quy tắc về xuất xứ, mà còn là các hàng rào về kỹ thuật và quy định vệ sinh dịch tễ rất cao, cũng như các biện pháp phòng vệ thương mại… Không những thế, các cam kết về môi trường và lao động, được quy định trong Chương 13 – Thương mại và Phát triển bền vững – cũng được cho là sẽ “dựng” lên một bức tường rào khá cao, khiến con đường đến với thị trường EVFTA trở nên khó khăn hơn.

Lấy một dẫn chứng cụ thể, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, các nước thành viên châu Âu có nhu cầu nhập khẩu lớn về đồ gỗ, nhưng cũng muốn thương mại đồ gỗ phải đi cùng với bảo vệ môi trường toàn cầu. Nếu gỗ không có xuất xứ rõ ràng và bị khai thác trái phép, đồ gỗ Việt Nam sẽ bị khách hàng châu Âu từ chối.

“Hiện Việt Nam có khoảng 280.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đây là điều rất tốt, giúp sản phẩm gỗ của Việt Nam đến gần hơn được với người tiêu dùng châu Âu”, ông Giorgio Aliberti nói.

Ngoài các sản phẩm đồ gỗ, người tiêu dùng châu Âu cũng có những đòi hỏi khắt khe hơn với rất nhiều sản phẩm khác. Chẳng hạn, với sản phẩm thủy sản, họ còn quan tâm chuyện con cá, con tôm được đánh bắt thế nào, có truy xuất được nguồn gốc xuất xứ không, chứ không chỉ đơn thuần là cá tôm có ngon hay không…

Chính ông Maarten Van Geest (Công ty Thủy sản Culimer – Hà Lan) cũng đã chia sẻ với báo giới rằng, dường như người dân Việt Nam chỉ quan tâm là đánh bắt được bao nhiêu cá, mà không biết rằng, người mua còn quan tâm đến việc cá đó được đánh bắt thế nào.

Và hệ lụy là, thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu (EC) áp “án” thẻ vàng từ năm 2017 và đang tiếp tục bị gia hạn. Lý do là hải sản khai khác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chưa đáp ứng được Quy định Chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bị thẻ vàng cũng đồng nghĩa với việc các khách hàng sẽ e ngại và ngừng mua hàng.

Án “thẻ vàng” chưa thoát, thì các doanh nghiệp đã phải thực hiện các cam kết mới của Việt Nam trong EVFTA. Đó là các cam kết về đối thoại và chia sẻ thông tin về biến đổi khí hậu, bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học (bao gồm động thực vật hoang dã), rừng (bao gồm khai thác gỗ bất hợp pháp) và cấm đánh bắt cá trái phép… Nếu khai thác bất hợp pháp hải sản, “cửa” ưu đãi thuế quan sẽ đóng sập lại, thậm chí, ngay cả “cửa” vào EU như hiện nay cũng không còn rộng mở.

Theo cam kết tại EVFTA, các bên không được vì mục tiêu thu hút thương mại và đầu tư mà giảm bớt các yêu cầu hoặc làm phương hại tới việc thực thi hiệu quả các luật về môi trường và lao động trong nước.

Chưa kể, EVFTA cũng quy định rất rõ về quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động; về việc xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp… Nếu không thực hiện tốt các cam kết này, nhất là nếu bị phát hiện ra các vấn đề về lao động trẻ em ở các khâu sản xuất, nhiều nước châu Âu sẵn sàng từ chối nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam.

Các báo cáo gần đây của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tình trạng lao động trẻ em ở Việt Nam còn khá phức tạp. Con số được nhắc tới là hiện tại, Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em, nghĩa là còn ở mức cao.

Trong khi đó, dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường…, nhưng trên thực tế, những chuẩn mực này đang bị vi phạm ở không ít doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn tới việc Việt Nam sẽ không được hưởng mức thuế ưu đãi từ các nước thành viên EVFTA.

Áp lực cải cách

Trái với các lo ngại của doanh nghiệp về thực hiện các cam kết trong EVFTA, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam lại hồ hởi cho biết, các yêu cầu về lao động và môi trường của EVFTA sẽ giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, góp phần giúp Việt Nam phát triển bền vững bằng cách tránh các “cuộc đua xuống đáy” và đảm bảo rằng, tăng trưởng hiện tại sẽ không phải trả giá bằng các cơ hội của thế hệ tương lai.

Việt Nam đang hướng tới việc phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời tiến lên được nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều này, cải cách thể chế, chính sách là những đòi hỏi từ nội tại nền kinh tế, chứ không chỉ là để thực hiện các cam kết của EVFTA, hay các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác. Tuy nhiên, EVFTA chính là chất xúc tác để Việt Nam đẩy nhanh hơn tiến trình này.

Thông tin cho biết, để thực hiện các cam kết EVFTA, Quốc hội Việt Nam vừa chính thức phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Trong nỗ lực chung, thời gian qua, Việt Nam đã phê chuẩn 6/8 công ước cơ bản của ILO. Như vậy, chỉ còn lại Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ quyền tổ chức là chưa được phê chuẩn. Theo dự kiến, công ước này sẽ được phê chuẩn vào năm 2023.

Cùng với đó, việc Việt Nam sửa đổi Bộ Luật Lao động vào cuối năm 2019 cũng được kỳ vọng là sẽ mang lại những thay đổi có ý nghĩa trong quan hệ lao động, khiến cả người lao động và người sử dụng lao động đều được hưởng lợi.

Trong khi đó, liên quan đến các cam kết về môi trường, thách thức hiện nay là không hề nhỏ. Đại dịch Covid-19 khiến dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó và rất có thể vì thế, sẽ không có sự đầu tư thỏa đáng cho các công nghệ hiện đại và các đầu tư khác cho hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đáp ứng, tuân thủ các nghĩa vụ và tiêu chuẩn đã cam kết trong các FTA, đặc biệt là EVFTA.

Tuy nhiên, theo khẳng định từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam sẽ không vì để tăng cường thu hút đầu tư mà lơ là các yếu tố về môi trường, mà thậm chí điều này sẽ được thắt chặt hơn trong giai đoạn tới. “Việt Nam sẽ tăng cường thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại. Các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sẽ không được mở rộng đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Các quy định này không chỉ được áp dụng với riêng đầu tư nước ngoài, mà cả với đầu tư trong nước.

Theo các quy định tại Chương 13, Hiệp định EVFTA, mỗi bên phải chỉ định một đầu mối liên hệ trong hệ thống hành chính của mình để thực hiện các nội dung về thương mại và phát triển bền vững. Một ủy ban chuyên trách về thương mại và phát triển sẽ được thành lập để giám sát việc thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững.

Mỗi bên cũng phải thành lập một hoặc các nhóm tư vấn trong nước mới hoặc tham vấn ý kiến của nhóm tư vấn trong nước hiện có về phát triển bền vững. Trong trường hợp phát sinh các vi phạm về môi trường và lao động sẽ được giải quyết qua cơ chế tham vấn chính phủ hoặc hội đồng chuyên gia.

Ngay như với ngành dệt may, một ngành được cho là sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ EVFTA, thông tin cho biết, để giải quyết các vấn đề về môi trường, Chính phủ đang dự kiến thành lập các khu công nghiệp tập trung dành riêng cho dệt may, da giày, hóa chất. Đây là bước đi quan trọng để Việt Nam vừa có thể thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, mà vẫn đảm bảo thực hiện các cam kết về môi trường trong EVFTA.

Chính ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, xu thế toàn cầu hiện nay, khách hàng đều hướng tới sự phát triển bền vững, nên doanh nghiệp Việt Nam muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, muốn thâm nhập được các thị trường khó tính như Mỹ, như EU, bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất, trong đó có nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, một điều quan trọng, theo các chuyên gia, để tránh những rủi ro liên quan đến tranh chấp thương mại về môi trường, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho đến nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của các cấp quản lý, cộng đồng và doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, các cam kết về thương mại và phát triển bền vững trong EVFTA không đặt ra vấn đề trừng phạt thương mại. Việc không có trừng phạt thương mại sẽ phần nào giúp giảm bớt sức ép đối với Việt Nam trong việc bảo đảm thực thi đầy đủ cam kết, mà không ảnh hưởng đến những lợi ích kinh tế có được từ Hiệp định. Tuy nhiên, Việt Nam nên và buộc phải thực hiện các cam kết này, nếu muốn hướng đến phát triển bền vững.


[ad_2]