Chỉ 3,6% doanh nghiệp dệt may được hưởng hỗ trợ do đại dịch

[ad_1]

Chiều nay (29/6), Chương trình nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) đã công bố báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa”. Qua báo cáo, nhóm nghiên cứu đã chỉ rõ những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến cả nguồn cung và đầu ra của ngành dệt may.



chi 3,6% doanh nghiep det may duoc huong ho tro do dai dich hinh 1
Hội thảo công bố báo cáo “Dệt may Việt Nam: Tác động của Covid-19 và xa hơn nữa” 

Dệt may gặp nhiều rào cản hậu đại dịch Covid-19

Theo đó, đại dịch Covid-19 tác động đến cả nguồn cung và đầu ra của ngành dệt may. Tính đến hết tháng 5/2020, xuất khẩu may mặc đạt 10,56 tỷ USD, giảm 13.6% so với cùng kỳ năm 2019. Xét theo các thị trường xuất khẩu chủ chốt, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm gần 15%, thị trường EU giảm 19%. Hai thị trường này đã chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, tình trạng khó khăn chung hiện nay của toàn ngành là bị hủy đơn hàng đồng loạt do các thị trường châu Âu và Mỹ đều đóng của. Ngành may mặc có tỷ lệ bị hủy đơn hàng từ 30-70%, sau khi tham gia sản xuất khẩu trang, tỷ lệ bị hủy đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trung bình là 25%. 

Bên cạnh đó, còn có những rào cản về chính sách, khi quá ít doanh nghiệp dệt may thụ hưởng các giải pháp hỗ trợ (chỉ 133/3.143 doanh nghiệp, chiếm 3,6% tổng doanh nghiệp được khảo sát đã tiếp nhận được các chính sách hỗ trợ) hay việc khó tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ tín dụng.

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cho rằng, việc giãn, giảm hoặc miễn thuế không có nhiều tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp của ngành. Ngoài ra, quy định hoãn đóng bảo hiểm xã hội hiện chưa hợp lí, người lao động không được hỗ trợ hiệu quả, trong bối cảnh Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động bị buộc thôi việc do Covid-19 nhưng rất khó tiếp cận do thủ tục quá rườm rà.

Dệt may khó tận dụng lợi thế từ các FTA

Cũng theo báo cáo, ngành dệt may Việt Nam không có chuỗi cung ứng đầy đủ nên rất khó tận dụng lợi thế của các FTA. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam rất thấp là không tự chủ được vấn đề xuất xứ hàng hóa.

Ghi nhận đến năm 2020, Việt Nam đã ký và có 12 FTA có hiệu lực, 1 FTA đợi phê chuẩn và đang đàm phán 3 FTA khác. Việc kí kết FTA đem lại cho ngành dệt may những ưu thế cạnh tranh xuất khẩu vô cùng to lớn. Cụ thể, thuế suất áp dụng đối với ngành dệt và nguyên liệu, với ngành may trung bình là 0 – 5%, trong khi đó, theo quy chế của WTO, thuế suất với ngành dệt và nguyên liệu trung bình là 12% và với ngành may mặc là 25%.

Mặc dù nhiều lợi ích như vậy, nhưng đến nay, các lợi thế này chỉ tồn tại về mặt lý thuyết. Số liệu cho thấy, tỷ lệ tận dụng FTA của Việt Nam chỉ đạt trung bình 30 – 35%. Điều này có nghĩa, Việt Nam chỉ mới tận dụng được 1/3 lợi ích từ các FTA đã có hiệu lực.



chi 3,6% doanh nghiep det may duoc huong ho tro do dai dich hinh 2
Dệt may Việt Nam sẽ khó tận dụng lợi thế từ các FTA. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của MCSS, Việt Nam không dễ dàng tận dụng được ưu đãi của các FTA thế hệ mới như EVFTA hay trước đó là CPTPP.

Quy định của EVFTA có thể thay mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi chiến lược nguồn cung vì Việt Nam có thể tăng nhập nguyên liệu từ những nước đã có FTA với Liên minh châu Âu (EU) để đảm bảo quy tắc ROO. Tuy nhiên, quá trình thực hiện trên thực tế có thể không dễ dàng như vậy, khi giá nhập khẩu từ một nơi có thể giúp hàng Việt Nam được hưởng C/O vào châu Âu có giá cao hơn 15 – 20% so với nhập khẩu từ Trung Quốc.

Với thị trường các nước thành viên CPTPP, MCSS cũng đánh giá: Việt Nam chưa khai thác được các thị trường tiềm năng trong khối như: Mexico, Newzealand, Canada, Australia. Đặc biệt, Australia, Canada là hai thị trường có quy mô sử dụng hàng dệt may khá lớn, khoảng 10 tỷ USD/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào 2 thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD/năm.

Với Mỹ, mức thuế suất hàng dệt may vào Mỹ vẫn ở mức rất cao. Mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng thuế suất mà hàng may mặc Việt Nam bị áp tại Mỹ vẫn ở mức rất cao (17,5%) so với các thị trường khác, đặc biệt là những thị trường mà Việt Nam đã kí FTA song phương hoặc đa phương…

TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình MCSS, Trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo cho rằng, với hiệu ứng của việc hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – EU được phê chuẩn, dệt may Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho ngành. Để làm được việc đó, rất cần nhà nước có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp.

“Cùng với đó, cần tận dụng các FTA nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút dịch chuyển đầu tư FDI vào sản xuất nguyên phụ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu về qui định xuất xứ; Để CPTPP đem lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam, cần thiết phải ký một FTA song phương với Canada vì đây là thị trường xuất khẩu may mặc tiềm năng, quy mô lớn; Cần cải thiện vị trí chuỗi giá trị bằng liên kết chuỗi cung ứng, có chính sách hợp lý cho ngành dệt may, chú trọng đầu tư cho tự động hóa; Khai thác các thị trường hiện có và mở thêm tiềm năng của thị trường mới; Đầu tư cho tương lai bằng thay đổi cách tổ chức sản xuất dựa theo công nghệ”, TS. Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh./.


[ad_2]