[ad_1]
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc các công ty khó khăn do dịch COVID-19 là bất khả kháng nhưng người sử dụng lao động cũng phải cân nhắc khi để hàng nghìn người lao động mất việc.
Hàng nghìn người sẽ mất việc
Hiện tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khiến một bộ phận doanh nghiệp (DN) đặc biệt là dệt may, da giày tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, dừng tạm thời dẫn đến phải hạ lương, cắt giảm hàng nghìn lao động.
Theo báo cáo của Công ty (Cty) Pou Yuen với các cơ quan chức năng của quận Bình Tân (TPHCM) vào giữa tháng 6, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ 2 tháng qua, Cty đã thực hiện nhiều biện pháp như điều độ sản xuất, sắp xếp công nhân (CN) nghỉ luân phiên chờ việc… Tuy nhiên, tình hình đơn hàng đến quý 3, 4 vẫn chưa khả quan, nên phải cho 2.786 CN nghỉ việc.
Trước đó, vào cuối tháng 5 vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến khó khăn về thị trường xuất khẩu (chủ yếu là Châu Âu và Mỹ), nên các khách hàng của Cty Huê Phong (trú đóng tại phường 14, quận Gò Vấp, TPHCM) hủy đơn hàng rất nhiều. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp khắc phục, nhưng Cty Huê Phong vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Số lượng lao động phải cắt giảm là 2.222 người trên tổng số 4.576 lao động của Cty, bắt đầu từ ngày 16.6.2020.
Kịch bản nào để NLĐ không bị thiệt
Theo các chuyên gia, việc thu hẹp sản xuất đến mức phải cắt giảm hàng nghìn lao động chắc hẳn là một quyết định khó khăn.
Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, cắt giảm nhân sự là điều cần tính đến nhưng DN phải tính toán một cách thật hợp lý, có kế hoạch cắt giảm rõ ràng và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Không thể vì khó khăn mà cắt giảm ồ ạt, tuy giải quyết được gánh nặng trước mắt nhưng khi tình hình sản xuất trở lại bình thường, việc tuyển dụng, đào tạo lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là đối với lĩnh vực dệt may, da giày, NLĐ có tay nghề lâu năm, tay nghề giỏi rất khó tìm.
Vào cuối tháng 4.2020, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp quản lý nhân sự trong và hậu mùa dịch”, bà Tiêu Yến Trinh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Talentnet (chuyên về tư vấn và tuyển dụng nhân sự) – nói rằng, việc xây dựng một kịch bản nhân sự đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện tại. Việc cắt giảm lương thưởng áp dụng với cấp lãnh đạo, quản lý trước, sau đó mới đến các vị trí thấp hơn.
Cùng về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, đại diện Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp – Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các DN phải linh hoạt để tìm mọi cách vượt qua khó khăn. Thị trường tiêu thụ nội địa với gần 100 triệu dân, dân số trẻ cũng là một cơ hội, lợi thế lớn của các DN Việt. DN Việt nên tận dụng tốt những cơ hội này để cơ cấu lại nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra của sản phẩm.
Cùng với đó, Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp – Cục Công nghiệp đang tăng cường những giải pháp hỗ trợ qua việc tăng cường kết nối DN trong nước và tìm kiếm đầu ra mới cho sản phẩm.
[ad_2]