Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: ‘Chống suy thoái kinh tế như chống giặc’

[ad_1]

Bo truong Ke hoach va Dau tu: 'Chong suy thoai kinh te nhu chong giac' hinh anh 1Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sau dịch COVID-19. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế – xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, đồng thời xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đây là thông điệp được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với địa phương ngày 2/7.

Còn nhiều thách thức

Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động trực tiếp của dịch COVID-19 đến hoạt động thương mại và sản xuất kinh doanh.

[Ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu nửa đầu năm giảm 1,1%]

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP quý II chỉ tăng 0,36% còn 6 tháng đầu năm tăng 1,81% và là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta.

Cùng với đó, khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước còn 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ở Việt Nam dịch bệnh đã được kiểm soát song nếu để dịch bùng phát trở lại thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị tổn thương, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản… ảnh hưởng rất lớn đến thành quả phát triển của đất nước trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, vì vậy sẽ là áp lực lớn đối với hoạt động kinh tế và thương mại của Việt Nam với các đối tác.

Ông Dũng cũng dự báo tình hình 6 tháng cuối năm sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày… còn gặp nhiều khó khăn.

Do đó, để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng đề xuất các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung cao độ, nghiêm túc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông cũng đề nghị quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn.

“Chúng ta cần tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bo truong Ke hoach va Dau tu: 'Chong suy thoai kinh te nhu chong giac' hinh anh 2Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để giúp doanh nghiệp phục hồi sau dịch, trong thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho sản xuất-kinh doanh phát triển.

Theo đó, ngày 29/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Còn trong quý II, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020; điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân…

Trong quý II, Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo áp dụng mức giảm phí dịch vụ nhiều nhất từ trước đến nay, góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất…

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác có nhu cầu nhập khẩu, nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường cho nông sản nói riêng và hàng hóa nói chung…

Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong 6 tháng, Chính phủ đã thảo luận, thông qua 7 dự án luật, 4 đề nghị xây dựng luật và đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021… Thủ tướng Chính phủ ban hành 21 quyết định quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và tranh thủ thời cơ, phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Mặc dù vậy, tình hình những tháng tới còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Thủ cảnh báo nhiều nguồn vốn FDI sẽ không vào Việt Nam mà sang Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia nếu Việt Nam không tạo điều kiện cơ sở hạ tầng và những điều kiện thu hút khác.

Do vậy, tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung bàn, đề xuất các giải pháp cải cách vượt trội để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

“Trong khó khăn của thế giới và trong nước, một lần nữa chúng ta cần khẳng định rõ phải duy trì ổn định vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo điều hành, củng cố niềm tin của người dân, của doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế-xã hội,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thêm./.

Đức Duy (Vietnam+)


[ad_2]