Bị hủy đơn hàng may mặc, Bangladesh “căng thẳng” với khách phương Tây

[ad_1]

Giữa lúc đại dịch COVID-19 tàn phá ngành công nghiệp may mặc Bangladesh, một cuộc vận động đang diễn ra nhằm cứu vãn ngành xuất khẩu lớn nhất của nước này bằng con đường thuyết phục lẫn gây sức ép buộc các nhà bán lẻ thời trang lớn của phương Tây phải tuân thủ các cam kết mua hàng.

Công nhân làm việc ở một nhà máy may măc ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Xinhua

Công nhân làm việc ở một nhà máy may măc ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Xinhua

Đe dọa đưa khách hàng vào “danh sách đen”

Do các cửa hàng thời trang phải đóng cửa theo lệnh phong tỏa, nhà bán lẻ thời trang Edinburgh Woolen Mills (EWM), có trụ sở ở TP. Carlisle, Anh, cùng các thương hiệu của EWM như Peacocks, Jaeger, Bonmarche, Austin Reed….đã hủy các đơn hàng gia công trị giá hơn 30 triệu đô la Mỹ với 30 nhà máy may mặc ở Bangladesh từ giữa tháng 4 bất chấp lời khẩn nài của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và sản xuất hàng may mặc Bangladesh (BGMEA).

Mềm không xong, giờ đây, BGMEA chuyển sang chiến thuật cứng rắn. Hôm 21-5, hiệp hội này gửi một bức thư cho tỉ phú Philip Day, ông chủ của EWM, đe dọa sẽ đưa EWM vào danh sách đen ở Bangladesh.

Trong thư, BGMEA cho biết 30 nhà cung cấp của EWM cáo buộc công ty này lợi dụng tình tình dịch Covid-19 để hủy đơn hàng và đòi hỏi các mức giảm giá gia công phi lý. Họ yêu cầu đến ngày 29-5, EWM phải thanh toán cho các đơn hàng đã giao cho các đại lý vận chuyển của EWM trước ngày 25-3 và đến ngày 5-6, phải thanh toán cho các đơn hàng đang trong quá trình sản xuất.

Bức thư có đoạn: “Chúng tôi yêu cầu ông phải tuân thủ các đòi hỏi nói trên và thanh toán các khoản nợ tồn đọng như đã đề cập, nếu không, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác là phải đưa ra quyết định cấm vận và đưa vào danh sách đen những bên mua hàng và các đại lý của họ để ngăn chặn họ làm ăn trực tiếp hoặc gián tiếp với các thành viên của chúng tôi trong tương lai”.

Phản hồi thư của BGMEA, người phát ngôn của EWM cho hay công ty này đã thanh toán phần lớn đơn hàng và đang thương lượng với các nhà cung cấp ở Bangladesh về số đơn hàng còn lại.  Người phát ngôn bày tỏ thất vọng vì cho rằng BGMEA đang muốn gây ồn ào trên truyền thông. EWM xem cách tiếp cận của BGMEA là không có tác dụng và không mang thiện chí hợp tác.

Tuy nhiên, Chủ tịch BGMEA, Rubana Huq, cho biết BGMEA buộc phải đưa ra động thái cứng rắn sau khi EWM chuyển sang dò hỏi đặt đơn hàng ở các nhà cung cấp mới của Bangladesh, thay vì thanh toán các khoản nợ tồn đọng cho các đơn hàng đã đặt ở các nhà cung cấp trước đây đồng thời né tránh các liên lạc của họ.

Diễn biến trên càng làm căng thẳng cuộc tranh cãi giữa các nhà bán lẻ và thương hiệu thời trang phương Tây và BGMEA, tổ chức đại diện cho hơn 4.600 nhà xuất khẩu và sản xuất hàng may mặc ở Bangladesh.

Rất nhiều trong số 1.000 nhà bán lẻ nước ngoài, đang gia công sản phẩm thời trang ở Bangladesh, đã hủy hoặc tạm dừng các đơn hàng. Tính đến cuối tháng 4, các khách hàng phương Tây hủy hoặc các đơn hàng may mặc trị giá hơn 3 tỉ đô la ở Bangladesh, khiến 1.150 nhà máy may măc ở nước này tê liệt và 2,8 triệu công nhân, phần lớn là phụ nữ, đối mặt với cảnh nghèo đói.

Nhưng trong cuộc chiến bảo vệ ngành dệt may, BGMEA có những đồng minh quyền lực bao gồm Bộ trưởng Thương mại Bangladesh, Tipu Munshi.

“BGMEA đã làm rất tốt công việc của mình khi chuyển sang lập trường cứng rắn”, Munsi nói trong cuộc trò chuyện với tờ Nikkei Asian Review.

Munshi, người từng giữ cương vị chủ tịch BGMEA trong giai đoạn 2005-2006, cho biết với sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao Bangladesh ở nước ngoài, Bộ Thương mại Bangladesh đang thúc ép mạnh mẽ để các nhà bán lẻ phương Tây tôn trọng các hợp đồng với các công ty may mặc Bangladesh, khôi phục các đơn hàng đã hủy hoặc hoãn.

Munsi nói: “Một số hợp đồng đang được đàm phán lại trong khi đó, các khách hàng khác cam kết bồi thường cho những công ty may mặc bị họ hủy đơn hàng. Chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này với các khách hàng lẫn đại diện của họ”.

Mở cuộc vận động ngoại giao

Hồi đầu tháng 5, Jafar Uddin, Thứ trưởng Bộ Thương mại Bangladesh,  viết thư cho Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu  u, để đề nghị can thiệp, phục hồi các đơn hàng may mặc mà các thương hiệu châu  u đã hủy hoặc hoãn với các nhà máy ở Bangladesh.

Uddin nói: “Các hành động tàn nhẫn và quá đáng của một số doanh nghiệp thời trang châu  Âu không phù hợp với quan niệm thương mại dựa trên giá trị và đạo đức”.

Trong cuộc điện đàm dài 15 phút với Thủ tướng Bangladesh, Sheikh Hasina hôm 29-4, người đồng cấp Thụy Điển, Stefan Lofven, cam kết các công ty bán lẻ thời trang Thụy Điện sẽ dừng hủy các đơn hàng may mặc ở Bangladesh.

Hôm sau đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Bangladesh, A.K. Abdul Momen, Bộ trưởng Ngoại thương và hợp tác phát triển Hà Lan, Sigrid Kaag, cam kết các khách hàng Hà Lan sẽ tiếp tục mua hàng may mặc của Bangladesh.

Đức, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý là 5 thị trường xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu của Bangladesh. Ảnh: Nikkei Asian Review

Đức, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý là 5 thị trường xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu của Bangladesh. Ảnh: Nikkei Asian Review

Không dừng lại ở đó, chính phủ Bangladesh phát động ngoại giao công chúng. Trong cuộc trò chuyện qua video trực tuyến với kiều bào Bangladesh ở Ireland hôm 23-5, ông A.K. Abdul Momen kêu gọi kiều bào sống ở châu Âu mở cuộc vận động công luận phản đối hành vi hủy các đơn hàng may mặc “bất công” của các nhãn hàng thời trang châu Âu.

BGMEA cũng đang đẩy mạnh vận động hành lang. Hiệp hội này đang làm việc với Liên Hợp Quốc và các nhóm bảo vệ quyền lợi người lao động trên toàn cầu như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Giám sát Nhân quyền (HRW) và Ủy ban Bảo vệ quyền lợi công nhân (WRC) để thúc đẩy tính trách nhiệm và đạo đức của các thương hiệu thời trang phương Tây.

Trò chuyện với Nikkei Asian Review, Chủ tịch BGMEA, Rubana Huq nói: “Chúng tôi đang chiến đấu cùng với sự hỗ trợ của truyền thông và xã hội dân sự thế giới”.  Ông nhấn mạnh Bangladesh không ngại đối đầu với EWM.
Miran Ali, một lãnh đạo khác của BGMEA, cũng đồng tình quan điểm này.

Ông nói: “EMW là một vụ việc riêng lẻ về các thực hành bất công. Bangladesh không còn chiều lụy các thương hiệu thời trang vô lương tâm nữa”.

Đối mặt với làn sóng phẫn nộ của công luận và truyền thông trên toán cầu, nhiều thương hiệu thời trang phương Tây như H&M, Inditex, PVH, Marks & Spencer, Target, Primark, Decathelon…đã nhất trí tiếp tục gia công hàng thời trang từ Bangladesh mà không hủy bỏ các đơn hàng trước đó.

Nền kinh tế Bangladesh phụ thuộc lớn vào ngành công nghiệp dệt may, vốn đóng góp đến 12% GDP và 84% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bangladesh. Năm ngoái, ngành xuất khẩu hàng dệt may của Bangladesh mang về nguồn thu 35 tỉ đô la, đưa nước này trở thành nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.


[ad_2]