[ad_1]
Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Phúc Vĩnh thành lập năm 2011 thuộc cụm công nghiệp làng nghề xã Phương La, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Công ty Phúc Vĩnh chuyên sản xuất mặt hàng khăn bông tự nhiên phục vụ mục đích làm quà tặng và tiêu dùng cao cấp. 90% sản phẩm khăn bông công ty phục vụ thị trường quốc tế khó tính như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việc sở hữu máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại đã giúp công ty Phúc Vĩnh sản xuất 7000 tấn khăn thành phẩm hàng năm. Trong tương lai, công ty có kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất nhằm cung cấp đa dạng mẫu mã khăn bông đến nhiều nhóm khách hàng khác nhau tại thị trường quốc tế và nội địa.
Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương bắt đầu từ năm 2019 và triển khai rộng khắp trên 05 làng nghề ở các địa phương phía Bắc gồm: Làng nghề La Phù (với sản phẩm dệt kim và sản xuất, chế biến thực phẩm), Làng nghề Chăn ga gối đệm Trát Cầu (với các sản phẩm là chăn, ga, gối và đệm), Làng nghề Cơ khí Rùa (với các sản phẩm cơ khí), Làng nghề gốm sứ Bát tràng (với sản phẩm gốm, sứ) và Làng nghề Phương La (với sản phẩm là các loại khăn).
Công ty Phúc Vĩnh thuộc làng nghề Phương La được lựa chọn là một trong các doanh nghiệp để triển khai Dự án. Với uy tín và sự ảnh hưởng của công ty trong Làng nghề, việc triển khai áp dụng thành công công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh tại công ty có ý nghĩa quan trọng dẫn tới sự thành công của Dự án ở Làng nghề Phương La.
Quy trình sản xuất khăn tại công ty Phúc Vĩnh gồm các công đoạn chính như: Nhập và phân phát sợi: Bộ phận thu mua tiến hành nhập sợi dệt, chỉ may về kho sợi sau đó tiến hành phân phát tới các xã viên; Dệt: các xã viên tiến hành dệt sợi thành khăn mộc theo đơn đặt hàng; Nhập kho khăn mộc: Bộ phận kiểm mộc tiến hành kiểm tra và nhập khăn mộc dệt vào kho; Tẩy nhuộm: Tiến hành công đoạn tẩy nhuộm khăn mộc; Cắt may: Khăn đã tẩy nhuộm dạng tấm khăn lớn trải qua các công đoạn xẻ dọc, vê dọc, cắt ngang, may ngang và bấm chỉ tại xưởng may; Phân loại: Khăn thành phẩm được chuyển về kho để tiến hành công đoạn phân loại và kiểm kim; Đóng gói khăn thành phẩm.
Dự án đã thực hiện triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen tại công ty theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, Dự án đã tư vấn hỗ trợ công ty Phúc Vĩnh hiểu rõ và bắt đầu áp dụng Triết lý Kaizen, cụ thể là mô hình Kaizen Gemba và công cụ Kaizen 5S, trong quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu lãng phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, Nhóm dự án đã tư vấn doanh nghiệp có chế độ khuyến khích hỗ trợ để người lao động gắn bó, yên tâm làm việc. Trong giai đoạn tiếp theo, Dự án đã hỗ trợ công ty dần đưa triết lý Kaizen trở thành một nét văn hoá cải tiến trong công ty từ đó góp phần gia tăng giá trị cốt lõi trong hoạt động sản xuất kinh doanh để tiến tới phát triển lâu dài và bền vững trong tương lai.
Thứ nhất, nhóm triển khai Dự án đã tiến hành khảo sát nhằm tìm hiểu thực trạng và nhận diện các điểm hạn chế tại công ty Phúc Vĩnh để có cơ sở đề xuất các giải pháp cải tiến tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Trong kế hoạch phát triển, công ty có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nhưng chưa có kế hoạch chi tiết về đầu tư máy móc, thiếu kỹ năng phân tích và đánh giá so sánh sản phẩm với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Ngoài ra tại thời điểm khảo sát, Nhóm triển khai đã phát hiện ra tại công đoạn may còn tồn tại tình trạng lãng phí sức lao động và thời gian sản xuất. Bên cạnh đó, tại công đoạn đóng gói thiếu sự hợp tác và đồng lòng trong nội bộ người lao động. Tình trạng lãng phí, sản xuất thiếu chuyên nghiệp kể trên có nguyên nhân chủ yếu do đội ngũ lãnh đạo, quản lý và người lao động chưa qua đào tạo về hệ thống quản lý và công cụ kiểm soát chất lượng.
Thứ hai, nhóm triển khai Dự án tư vấn chi tiết cho DN về việc áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen, cụ thể như sau: Hệ thống đề xuất cải tiến: (1) Nghiên cứu và tư vấn cải tiến trang thiết bị máy móc tại nhà xưởng, tiến hành duy tu bảo dưỡng định kỳ máy may, máy vê và máy đóng kiện nhằm khai thác tối đa công năng; (2) Thực hiện khảo sát nhận diện lãng phí thao tác, tiến hành bấm giờ trong công đoạn may ngang để từ đó có giải pháp khắc phục phù hợp;
Bên cạnh đó, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng: Tại công đoạn đóng gói và giao hàng, áp dụng công cụ Kaizen 5S trong việc vệ sinh công nghiệp, sắp xếp, ghi chép các lỗi để từ đó có giải pháp nâng cao năng suất;
Ngoài ra, tạo động lực cho người lao động: (1) Linh hoạt trong cơ chế làm việc; (2) Xây dựng cơ chế quan tâm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên trong công ty; (3) Xây dựng môi trường làm việc an toàn và thoải mái.
Sau thời gian triển khai mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trong sản xuất theo tư vấn và hỗ trợ của Nhóm dự án, DN đã thu được các kết quả như sau: Hệ thống đề xuất cải tiến: Tăng 3,3 lần kế hoạch đánh giá định kỳ máy móc trang thiết bị công nghiệp; Loại bỏ lãng phí di chuyển và tiết kiệm 20% thời gian tác nghiệp hiện trường tại công đoạn may; Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm tại công đoạn đóng gói lên gần 30% sau khi tạo nhóm làm việc;
Hệ thống quản lý chất lượng: Sau thời gian xây dựng phong trào vệ sinh công nghiệp định kỳ, tăng gấp 3 lần số lượng cán bộ công nhân viên tham gia vào việc đảm bảo vệ sinh sản xuất và chất lượng sản phẩm;
Tạo động lực cho người lao động: Linh hoạt giờ mở cửa phân xưởng nhằm tạo điều kiện cho người lao động có thể đến làm việc bất cứ lúc nào; 100% người lao động được tặng quà vào các dịp lễ trong năm; Xây dựng chế độ thưởng cuối tháng nếu người lao động đi làm đầy đủ ngày công; 100% người lao động chuyên cần đạt năng suất sẽ được công ty mua BHYT và thăm nom khi ốm đau bệnh tật; Thân nhân người lao động được thăm viếng khi bệnh nặng, qua đời.
Các kết quả khả quan thu được sau quá trình thực hiện Dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh” của Trường Đại học Ngoại thương đã tạo thêm động lực để Công ty Phúc Vĩnh mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm để từ đó tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa và quốc tế.
Phạm Minh Thắng, Lê Hoàng Liên, Nguyễn Quốc Tuân
[ad_2]