[ad_1]
(ĐTCK) Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã nhấn mạnh thông điệp này tại Lễ Kỷ niệm 20 năm thành lập Vitas tại Hà Nội. Những doanh nghiệp dệt may Việt Nam chú trọng yếu tố này trong các năm qua đang gặp hái được thành công.
Trong danh sách 20 doanh nghiệp dệt may đạt doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2018 do Bộ Công thương trao tặng, May Sông Hồng là cái tên được xướng lên đầu tiên.
Đây là doanh nghiệp đã đầu tư lớn cho phát triển bền vững và đạt được uy tín cao trong ngành cũng như với các đối tác.
Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được lựa chọn trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, dựa trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường…
Đây là danh hiệu uy tín được các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu coi trọng và được lựa chọn thường niên với tiêu chí rất khắt khe.
Đại diện Vitas nhận xét, trong số hàng nghìn doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, Bộ Công thương chỉ lựa chọn 20 doanh nghiệp, cho thấy các doanh nghiệp đạt danh hiệu này đã phải trải qua quá trình xét chọn nghiêm ngặt, đồng thời doanh nghiệp đã phải có chiến lược phát triển bền vững từ rất sớm, chứng minh được quá trình thực hiện nhất quán, xuyên suốt không gian và thời gian.
Phát triển bền vững đang và sẽ trở thành nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp dệt may nếu muốn vững vàng vươn ra biển lớn.
Mới đây, 150 thương hiệu thời trang lớn nhất thế giới đã cam kết phát triển dệt may bền vững. Đây là cam kết được đề xuất bởi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, mang tên “The Fashion Pact” về khí hậu, hướng đến mục tiêu đạt được mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, giảm thiểu tác động của thời trang đối với môi trường, bảo vệ nền đa dạng sinh học và đại dương, tập trung vào việc cắt giảm nhựa sử dụng một lần vào năm 2030 và hạn chế dây ô nhiễm đại dương bằng xơ vi mảnh khi người dùng giặt quần áo bằng vật liệu tổng hợp.
Bản cam kết này cũng yêu cầu các thương hiệu trong ngành thời trang nắm bắt được xu thế “kinh tế tuần hoàn” gồm các hoạt động tái chế và tái sử dụng sáng tạo, tạo ra những thiết kế có thể dùng lại trang phục cũ.
Dệt may Việt Nam không thể nằm ngoài chuỗi liên kết toàn cầu, do đó năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, yêu cầu xanh hóa, phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam là xu hướng không thể đảo ngược.
Ngành dệt may Việt Nam đã xây dựng mục tiêu cụ thể cho năm 2020 và tầm nhìn đến 2025 với kim ngạch xuất khẩu 42 tỷ USD, tăng 7,7% so với thực hiện 2019, mục tiêu đến 2025 đạt 60 tỷ USD.
Các doanh nghiệp sẽ sử dụng 2,95 triệu lao động vào năm 2020, tăng 3,5% so với năm trước và đến 2025 sử dụng 3,5 triệu người.
Nhìn vào mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và nhân công, có thể thấy rất rõ xu hướng bắt buộc tăng năng suất lao động.
Tại cuộc gặp của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cuối năm 2019, ngành dệt may công bố sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư để tái cơ cấu ngành, đề xuất xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung, thu hút các nhà đầu tư và khâu dệt nhuộm.
Các dự án đầu tư đều được thiết kế theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa và yêu cầu phát triển bền vững thân thiện với môi trường, giảm xả thải, tiêu thụ điện nước.
Mặt khác, thu hút đầu tư nước ngoài cũng sẽ được thực hiện có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư dệt nhuộm với công nghệ hiện đại, kiểm soát tốt khâu xử lý nước thải để không gây ô nhiễm môi trường.
[ad_2]