[ad_1]
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCVN bên lề cuộc họp báo về lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VITAS và tổng kết năm 2019, diễn ra sáng 3/12.
*PV: Thưa ông, năm 2019 sắp khép lại, ông đánh giá như thế nào về kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may Việt Nam trong năm qua?
– Ông Vũ Đức Giang: Có thể thấy, năm 2019 tuy kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam không đạt 40 tỷ USD như kỳ vọng, nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, ước tăng khoảng 7,55% so với năm 2018.
Hiện ngành dệt may Việt Nam đang đứng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh về xuất khẩu. Đồng thời, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất khu vực ASEAN.
Về thị trường xuất khẩu, năm 2019, Mỹ vẫn dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2018 và chiếm tỷ trọng 38,97% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến đạt 39 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22,38 tỷ USD, tăng 2,21%; giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 19,26 tỷ USD, tăng 4,96%; giá trị nội địa tăng thêm (thặng dư thương mại) của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 19,73 tỷ USD, tăng 10,19%; ước xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD và tăng 15,7 điểm phần trăm so với năm 2018.
Kế tiếp là EU ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,23%, chiếm tỷ trọng 11,28%; Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD tăng 7,05%, chiếm tỷ trọng 10,9%; Hàn Quốc đạt 4 tỷ USD tăng 4,42%, chiếm tỷ trọng 10,26%; ASEAN đạt 2,1 tỷ USD, tăng 7,75%, chiếm 5,38%.
*PV: Dệt may là một trong những ngành được nhận định đón nhận nhiều cơ hội nhất từ Hiệp định CPTPP. Xin ông cho biết, trong năm qua xuất khẩu dệt may đã đạt được lợi ích như thế nào từ hiệp định này?
– Ông Vũ Đức Giang: Trước đây, khi chưa có CPTPP, sản phẩm dệt may Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn để vào các thị trường như Úc, Canada, New Zealand… bởi phải cạnh tranh với một đối thủ khổng lồ là Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi CPTPP có hiệu lực, lợi ích rõ nhất chúng ta có thể thấy là hàng dệt may đã rộng cửa vào các thị trường này.
Trong tổng lượng xuất khẩu năm nay thì tỷ trọng xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, hiện nay đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về đầu tư của các nước trong khối CPTPP vào dệt may của Việt Nam.
Điều đáng nói nữa là, trong thời gian ngắn, doanh nghiệp (DN) đã đa dạng hóa, chủ động được sự dịch chuyển thị trường và không phụ thuộc vào bất cứ một thị trường nào. Ví như trước đây, thị trường Mỹ chiếm tới hơn 50% kim ngạch xuất khẩu nhưng đến nay con số này đã giảm rất nhiều.
Ngoài ra, thông qua hiệp định, DN đã có sự tiếp nhận chuyển giao và chú trọng đầu tư vào khoa học công nghệ, nhất là hệ thống tự động hóa trong dệt, kéo sợi, robot tự động hóa…
*PV: Theo ông, đến thời điểm hiện tại, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì và cần giải pháp như thế nào để tháo gỡ?
– Ông Vũ Đức Giang: Thách thức lớn nhất của ngành dệt may nằm ở câu chuyện về nguyên liệu đầu vào khi mà cho đến nay, chúng ta vẫn phải nhập khẩu trên 50% nguyên phụ liệu. Trong khi đó, quy hoạch phát triển ngành, vùng nguyên liệu vẫn còn đang bỏ ngỏ. Để giải quyết được bài toán khó này cần có “bàn tay” của Chính phủ và sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành.
Bên cạnh đó, ngành thiết kết thời trang của nước ta vẫn còn đang ở trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường cũng như nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Do đó rất cần có chiến lược phát triển ngành thiết kế thời trang, phải tạo ra động lực cho thiết kế, phát triển mẫu mã…
|
Thêm vào đó, ngành dệt may còn gặp thách thức về chuyển dịch cơ cấu đầu tư từ các thành phố lớn về các vùng sâu xa, nông thôn. Bởi người lao động ở các vùng này chưa được đào tạo, trình độ thấp, trong khi DN phải đi trước, phải tuyển dụng lao động, điều đó gây ra áp lực cho DN trong vấn đề đào tạo.
Chưa hết, theo Bộ luật Lao động, sau khi tuyển dụng lao động một tháng khi họ chưa được đào tạo, chưa có tay nghề nhưng vẫn phải ký hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội, trả lương theo mức tối thiểu vùng… Chi phí này tạo ra không ít khó khăn cho DN.
Mặt khác, vấn đề phát triển chương trình xanh hóa ngành dệt may cũng tạo ra áp lực lớn đối với DN. Bản thân DN phải tự đầu tư mà chưa có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là nguồn tài chính cho đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn mực, đầu tư vào chương trình xanh hóa, chương trình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Ngoài ra, còn có thách thức liên quan đến tầm nhìn chiến lược, phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một vấn đề lớn mà một mình ngành không thể đứng ra làm được, cần có sự định hướng chiến lược của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương. Chỉ có như vậy chuỗi phát triển mới đảm bảo sự bền vững và thực hiện được mục tiêu liên quan đến các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Cuối cùng, tôi cho rằng, trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, quan trọng nhất, bản thân DN phải tự đứng lên bằng đôi chân của mình, từ tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược cho đến giải pháp quyết liệt, liên kết chuỗi trong khu vực và toàn cầu… DN buộc phải nắm thế chủ động trong bối cảnh hội nhập toàn diện hiện nay.
Đáng lưu ý nữa là, vươn tới mở rộng thị phần xuất khẩu ra thế giới nhưng DN Việt không nên để quên thị trường trong nước – đây cũng là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng Vitas đã đề ra trong 10 – 20 năm tới.
*PV: Xin cảm ơn ông!
[ad_2]