[ad_1]
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong nước với nước ngoài. Hệ thống này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.
“Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các hoạt động giao thương trực tiếp gặp nhiều khó khăn, hệ thống này sẽ càng phát huy vai trò của mình, giúp doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay mới đây nhất là Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA)”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh..
Là đơn vị phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu này, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC nhận định, hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ ra mắt vào một thời điểm đáng nhớ, khi mà dịch COVID-19 đang tác động mạnh mẽ đến các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong bối cảnh này, sự ổn định nguồn cung và năng lực của các nhà cung cấp địa phương trở nên hết sức quan trọng.
“Hệ thống cơ sở dữ liệu này sẽ tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các công ty đa quốc gia, hứa hẹn giúp khẳng định Việt Nam là một trung tâm chế biến chế tạo chủ chốt trong khu vực”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC cho biết.
Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội (Công ty thành viên thuộc tập đoàn An Phát Holdings), chia sẻ: Dưới tác động của đại dịch COVID-19 vừa qua, khi tất cả các hoạt động xúc tiến thương mại đều bị đình trệ hoặc chuyển sang trạng thái giao thương, kết nối trực tuyến thì hệ thống cơ sở dữ liệu doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.
“Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chủ động tìm kiếm những phương thức để trao đổi, kết nối hợp tác nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Chúng ta đang thực sự cần có một cổng thông tin quốc gia về công nghiệp hỗ trợ cho những ngành công nghiệp chủ lực, cập nhật các thông tin liên quan thường xuyên, kết nối với cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, cập nhật và nắm bắt nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước…,” ông Bùi Mạnh Hải cho hay.
Theo Bộ Công Thương, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam.
Với mức tăng trưởng được duy trì khoảng 10,6%/năm, khu vực chế biến, chế tạo đang được xem là “điểm sáng” của ngành công nghiệp Việt Nam nói chung trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 gây ra.
Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đang là lĩnh vực chủ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong năm 2019, cả nước thu hút được 3.478 dự án mới, với tổng vốn đạt gần 31,8 tỷ USD thì lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với tổng vốn đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, liên kết đầu-cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ, doanh nghiệp còn loay hoay với câu chuyện kết nối cung-cầu.
Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển và công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ cũng như nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác.
Sau quá trình triển khai khảo sát thu thập thông tin doanh nghiệp, đến nay, Cục Công nghiệp đã cập nhật lên hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về các doanh nghiệp, gồm có 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, 347 doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, 750 doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, 1.145 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may và 910 doanh nghiệp trong lĩnh vực da giày.
[ad_2]