[ad_1]
Dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Trong nhiều năm qua, dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm. Sự phát triển ấn tượng này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 9 nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất trong số 153 nước xuất khẩu hàng dệt may trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành Dệt may Việt Nam vẫn bị đánh giá là ngành có hiệu quả kinh tế chưa cao, giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may còn thấp.
Năm 2019, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (đạt mức hơn 39 tỷ USD), song ngành này phải bỏ ra 22,3 tỷ USD để nhập khẩu nguyên phụ liệu như vải, khóa kéo, phụ kiện thời trang… phục vụ sản xuất.
Các số liệu thống kê cho thấy, thực tế hiện nay ngành Dệt may Việt Nam vẫn bị phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Việt Nam mới chỉ cung cấp chưa được 1% nhu cầu về bông, 30% nhu cầu xơ, còn lại là phải nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan…
Điều này cho thấy, dệt may lệ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu nên lợi nhuận, giá trị gia tăng trên sản phẩm chưa cao. Các chuyên gia phân tích nhận định, chỉ khi ngành công nghiệp phụ trợ dệt may bù đắp được phần lớn giá trị nhập khẩu thì giá trị gia tăng từ sản phẩm dệt may mới tăng cao.
Chiến lược phát triển ngành công nghiệp Dệt may đặt mục tiêu phát triển ngành Dệt may theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; Chuyển mạnh sản xuất từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, đảm bảo nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu.
Từ giai đoạn 2021 – 2030, phấn đấu tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp toàn Ngành đạt từ 9% – 10%/năm. Trong đó, ngành Dệt tăng từ 10% – 11%/năm, ngành May tăng từ 9% – 10%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu đạt từ 6% – 7%/năm. Tăng trưởng thị trường nội địa đạt từ 8% – 9%/năm…
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ dệt may trong thời gian tới. Theo đó, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần có chiến lược về phát triển nguồn nguyên liệu dệt may; Đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực công nghệ sản xuất toàn ngành Dệt may; Đầu tư các trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu may mặc.
Bên cạnh đó, các DN nên đa dạng nguồn vốn đầu tư. Thu hút vốn đầu tư FDI vào các công đoạn dệt, nhuộm… cũng như sản xuất phụ liệu dệt may; Sử dụng vốn ODA để hỗ trợ đào tạo lao động, xây dựng thể chế pháp lý và các chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vừa và nhỏ, chương trình hợp tác với các công ty đa quốc gia đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Đồng thời, DN cần chú trọng đầu tư công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu: Chỉ khi đẩy mạnh khâu thiết kế, chuyển từ thiết kế theo đơn khách hàng (OEM) sang sản xuất thiết kế gốc (ODM) hay sản xuất nhãn hiệu gốc (OBM) thì sản phẩm dệt may mới có thể nâng cao sức cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
DN cũng cần thường xuyên tham gia các hội chợ trong nước quốc tế về hàng dệt may. Đây là 1 trong những cách hiệu quả nhất để tự giới thiệu mặt hàng của mình…
Ngoài ra, đẩy mạnh công tác giới thiệu sản phẩm tới tận các DN dệt may, tận dụng tối đa các cơ hội để giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm, trình diễn thời trang, qua mạng Internet, quảng cáo trên các phương tiện thông tin và truyền thông; Phát huy tối đa các lợi thế có được so với các đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài, đó là: tiến độ giao hàng, các điều kiện giao dịch, chi phí vận chuyển thấp, các mối quan hệ giữa các DN cùng Hiệp hội, cùng khu công nghiệp nhằm khai thác mở rộng thị trường trong nước…
[ad_2]