‘Chưa DN dệt may nào rơi vào tình trạng như Huê Phong’

[ad_1]

Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek) Phạm Xuân Hồng cho biết ngành dệt may còn nhiều khó khăn, nhưng chưa doanh nghiệp nào phải sa thải lượng lớn nhân viên như Huê Phong.

“Nhiều doanh nghiệp kêu lắm, nhưng họ ‘nằm xuống vẫn cười’, cố gắng duy trì sản xuất trong điều kiện cho phép để giữ lực lượng lao động”, ông Phạm Xuân Hồng chia sẻ.

Chủ tịch Agtek cho biết hiện hoạt động giao thương đã bình thường, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu được nối lại. Tuy nhiên, các đơn hàng xuất khẩu sang châu Mỹ và châu Âu chưa nhiều. Một số doanh nghiệp ghi nhận 70-80% lượng đơn hàng so với trước đây, còn hầu hết chỉ trên dưới 50%.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp có xu hướng chia sẻ số đơn hàng có được cho người lao động và kéo dài thời gian làm việc bằng cách giảm giờ làm thêm hoặc nghỉ ngày thứ bảy.

Một số đơn vị mở rộng thêm sản phẩm khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ, hoặc sản xuất các đơn hàng nội địa nhằm duy trì hoạt động. Nhờ vậy, công nhân vẫn có việc làm và thu nhập, dù thu nhập còn thấp.

Chưa có công ty phá sản

Bình luận về trường hợp công ty Huê Phong (trụ sở ở quận Gò Vấp, TP.HCM) mới phải cắt giảm hơn 2.200 nhân công do khó khăn vì Covid-19, ông Phạm Xuân Hồng cho hay đã khảo sát sơ bộ các doanh nghiệp trong hội, nhưng chưa đơn vị nào phải phá sản hay sa thải lượng lớn nhân viên như vậy.

Với Công ty CP May Sài Gòn 3 do ông Phạm Xuân Hồng làm chủ tịch HĐQT, việc giảm giờ làm dẫn đến giảm thu nhập của công nhân, tuy nhiên mức giảm không đến mức bất thường. Trong khi đó, khối nhân viên văn phòng giảm 10% lương để chia sẻ khó khăn chung với công ty. Nhờ vậy, tình hình hoạt động của May Sài Gòn 3 được duy trì khá ổn định.

Chị Ngọc Hà, đại diện một doanh nghiệp lớn chuyên gia công thời trang thể thao có trụ sở chính tại quận 12 (TP.HCM) cũng thông tin đã cho nhân viên nghỉ làm thứ bảy từ tháng 5, dự kiến sang tháng sau nghỉ thêm thứ sáu.

'Chưa DN dệt may nào rơi vào tình trạng như Huê Phong' - Ảnh 1.

Công ty Huê Phong vừa sa thải hơn 2.200 nhân sự vì phải thu hẹp sản xuất sau Covid-19. Ảnh: VGP.

Nếu trước đây, hàng tháng doanh nghiệp này xuất khẩu trung bình 1,2-1,4 triệu đơn hàng, thì tháng 4 vừa qua chỉ còn 1 triệu đơn. Con số lần lượt giảm xuống còn hơn 700.000 vào tháng 5, 500.000 vào tháng 6 và 200.000 vào tháng 7. 

Hiện, doanh nghiệp chưa ghi nhận đơn hàng nào, trong khi đặc thù ngành dệt may cần nhận đơn hàng trước 3-6 tháng.

Hiện nay, công ty cắt giảm khoảng 25% lực lượng lao động trong tổng số hơn 6.000 người, chủ yếu là những nhân viên sắp nghỉ hưu hoặc hết hạn hợp đồng.

 Những nhân sự còn lại tự nguyện đưa ra mức giảm thu nhập và quy đổi thành số ngày làm việc để không phải chịu thiệt về phúc lợi xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cắt giảm các chi phí thưởng năng suất cho nhân viên, quà cáp vào các ngày lễ, sinh nhật công ty…

“Tôi nhận thấy mọi người đều xác định đây là tình hình chung nên thông cảm và không có ý định rời đi. Hiện chúng tôi đang cố gắng tìm thêm đơn hàng mới, đặc biệt là cho sản phẩm khẩu trang”, chị Ngọc Hà chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Hồng nhận định ngành dệt may có thể kiểm soát tình hình như hiện nay đến hết quý II. Còn sang quý III, các doanh nghiệp có thể sẽ “vừa hy vọng vừa lo lắng”, tùy tình hình kiểm soát dịch bệnh trên thế giới.

Khẩu trang là “thuốc huyết áp” cho ngành dệt may

Bên cạnh các giải pháp về cắt giảm lao động hay mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp cũng cố gắng đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng cần thiết trong dịch Covid-19 như khẩu trang hay đồ bảo hộ y tế.

Chị Ngọc Hà cho biết, khi dịch mới bùng phát, do lượng nguyên phụ liệu còn tồn đọng mà đơn hàng không có, doanh nghiệp nảy ra ý định sản xuất khẩu trang để phát cho nhân viên.

Sau thời gian sử dụng thấy chất lượng tốt, công ty quyết định chào hàng đối tác. Vài ngày nữa, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu lô hàng khẩu trang vải đầu tiên hơn 94.500 chiếc, đồng thời tiếp tục sản xuất 2 đơn hàng sẽ xuất đi trong tháng 6.

Trong khi đó, một trong những doanh nghiệp dệt may đầu tiên chuyển sang sản xuất khẩu trang là Dony (quận Tân Bình, TP.HCM) đến nay đã xuất khẩu hơn 6 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn kháng giọt bắn đến Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Nigieria, Singapore, Nhật Bản… Tổng giá trị đơn hàng ước đạt hàng triệu USD.

Đại diện Dony cho biết thời điểm mới chuyển đổi, nhà máy sản xuất được 50.000 sản phẩm/ngày, nhưng hiện nay đã đạt 275.000 sản phẩm/ngày. Với lượng đơn hàng ngày càng lớn, doanh nghiệp sẽ hoạt động kín công suất đến nửa đầu tháng 6, đồng thời từ chối một số đơn đặt hàng gấp.

'Chưa DN dệt may nào rơi vào tình trạng như Huê Phong' - Ảnh 2.

Khẩu trang vải kháng khuẩn trở thành cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu hiện nay. Ảnh: Phạm Ngôn.

Hiện tại, doanh nghiệp này cũng xây dựng nhà máy, hoàn thiện mẫu và hoàn tất thủ tục pháp lý để xuất khẩu quần áo bảo hộ với công suất dự kiến 50.000 sản phẩm/ngày để thăm dò thị trường và chuẩn bị nguyên phụ liệu. Hiện một số đối tác lớn đã liên hệ đặt hàng.

Tuy nhiên, khi khối lượng sản xuất tăng đột biến, Dony lại gặp khó về nguồn cung nguyên vật liệu, năng lực sản xuất và logistics.

 “Ban đầu, chỉ riêng khu vực Trung Đông gặp khó về đường bay, nhưng sau này xuất hàng đi Mỹ, châu Âu cũng bị ảnh hưởng. Lượng hàng cần chuyển mỗi đợt lên đến 500 thùng nên không đủ phương tiện vận chuyển, thời gian chờ hàng bay kéo dài, hàng đi nhỏ giọt”, vị này cho biết.

Mặc dù vậy, doanh nghiệp xác định đây vẫn là mặt hàng ưu tiên trong kế hoạch kinh doanh năm nay. Trong dài hạn, nếu nhu cầu vẫn còn thì khẩu trang vải và đồ bảo hộ vẫn được duy trì.

Vừa qua, Super Cargo Service đã hoàn tất vận chuyển hơn 5 triệu sản phẩm bảo hộ y tế sản xuất tại Việt Nam sang Mỹ. Trước đó, hãng này đã thực hiện nhiều đơn hàng khác đến các nước châu Âu như Ba Lan, Nga, Đức, với quy mô 5-10 tấn/đơn hàng.

“Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm bảo hộ y tế của Việt Nam là cực kỳ lớn, khi nước ngoài đánh giá cao sản phẩm Việt Nam. 

Đồng thời, Covid-19 cũng làm thay đổi hoàn toàn tư duy của các nước, sản phẩm bảo hộ y tế đang trở thành mặt hàng quốc phòng thiết yếu mà các quốc gia phải dự trữ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này”, ông Huỳnh Quốc Định, Tổng giám đốc Super Cargo Service đánh giá.

Tuy vậy, ông Phạm Xuân Hồng vẫn ví von những mặt hàng đang được coi là cứu cánh của ngành dệt may này chỉ là những liều “thuốc huyết áp”.

“Đã bị huyết áp thì phải uống thuốc huyết áp, nhưng uống xong cũng có hết bệnh được đâu. Những mặt hàng này không thể giải quyết cơ bản hoàn cảnh khó khăn của dệt may khi đơn hàng xuất khẩu thiếu hụt được”, ông nhận định.

[ad_2]