Dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động là 2 ngành bị đe dọa nhiều nhất về việc làm trước sự thay đổi công nghệ.
Đó là nhận định của các chuyên gia hàng đầu tại buổi đối thoại với chủ đề “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây ở Hà Nội.
86% số lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa, kết quả khảo sát của ILO đã phác họa bức tranh chung về thực trạng kỹ năng nghề của người lao động (NLĐ) ở khu vực này. Không khó nhận ra điều này khi hầu hết các doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày, phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, chưa qua đào tạo trường lớp. Nhiều DN chỉ thích sử dụng lao động phổ thông để giảm chi phí trả lương và đỡ mất chi phí đào tạo. Do không có tay nghề nên NLĐ chỉ có thể làm những công việc giản đơn và đó cũng là lý do vì sao họ khó có mức lương cao.
Nhiều DN sau một thời gian dài sử dụng lao động đã tìm mọi cách để sa thải và lao động phổ thông, nhất là lao động lớn tuổi luôn nằm trong diện cắt giảm. Bị sa thải cũng đồng nghĩa với cơ hội quay lại thị trường lao động của họ cũng bị triệt tiêu. Rõ ràng, hạn chế về kỹ năng nghề chính đã khiến NLĐ gánh chịu thiệt thòi cho bản thân, từ thu nhập lẫn cơ hội thăng tiến.
Sự hụt hơi ấy lỗi không hẳn thuộc về công nhân bởi không phải ai cũng có điều kiện để nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, nhất là trong bối cảnh thu nhập chỉ đủ sống. Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Duy Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Công Nghiệp Đông Hưng (sản xuất giày xuất khẩu, tỉnh Bình Dương, nói: “Xu thế cạnh tranh đòi hỏi DN phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho NLĐ nâng cao trình độ tay nghề. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nếu NLĐ được đào tạo căn cơ thì DN cũng sẽ được hưởng lợi; bản thân NLĐ cũng sẽ ổn định được việc làm và nâng cao thu nhập, chưa kể cơ hội thăng tiến cũng rộng mở”. Tại Công ty CP Công Nghiệp Đông Hưng, mọi lao động đều được ban giám đốc quan tâm, hỗ trợ nâng cao tay nghề, chưa kể được tạo cơ hội thăng tiến. Chính sách nhìn xa trông rộng này đã giúp DN gặp nhiều thuận lợi khi nhập thiết bị, công nghệ hiện đại nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất bởi đã sở hữu nguồn lao động chất lượng cao ở tất cả các khâu.
Kỹ năng lao động chính là chìa khóa để NLĐ tự tin hội nhập và bảo đảm tương lai nghề nghiệp. Do vậy, ngoài ý thức phấn đấu, tự học tự rèn của bản thân, họ rất cần sự sẻ chia từ phía người sử dụng lao động.
Theo Nguồn: Người lao động – An Chi