Nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành dệt may tăng nhanh

Nhiều khả năng tới năm 2030 – 2035, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành dệt may sẽ đạt mức 65% – 68%.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tiếp nối đà thành công trong năm 2017, trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt trên 23 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), trong năm 2018 ngành dệt may còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh biến động địa chính trị, sự cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên ông Giang cũng cho biết, nhờ có thêm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngành dệt may có thể tận dụng điều kiện sẵn có, nỗ lực khai thác hiệu quả hai thị trường mới có tiềm năng tiêu thụ mạnh là Australia và Canada, cũng như phát triển tốt hơn ở các thị trường truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc.

noi-dia-hoa-nguyen-phu-lieu-cua-nganh-det-may-tang-nhanh
Hiện nay ngành dệt may mới chỉ nội địa hóa nguyên phụ liệu được 40%-45%, còn phải nhập khẩu tới 37% nguyên phụ liệu của Trung Quốc.

Ông Vũ Đức Giang đưa ra dự báo, trong năm 2018, xuất khẩu dệt may chắc chắn đạt 34 – 34,5 tỷ USD. Về mặt thị trường, xuất khẩu sẽ tăng trưởng cao nhất ở Hoa Kỳ vì hiện nay, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tỷ lệ nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam, tiếp đó là đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga-Belarus, các nước Trung Đông.

Đặc biệt, dệt may Việt Nam có lợi thế ở các Hiệp định thương mại tự do (FTA), xu thế tự động hóa và sự ổn định chính trị nên tốc độ đầu tư tăng rất nhanh. Với tốc độ phát triển như hiện nay, theo nhận định của ông Giang, tới năm 2035, xuất khẩu dệt may có thể đạt tới 200 tỷ USD.

Liên quan tới vấn đề nhập khẩu nguyên phụ liệu trong ngành dệt may, ông Giang cho biết, hiện nay ngành dệt may mới chỉ nội địa hóa nguyên phụ liệu được 40%-45% và còn phải nhập khẩu tới 37% nguyên phụ liệu của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu nguyên phụ liệu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia, Thái Lan và một số nước khác.

Tuy nhiên ông Giang cũng nhận định, với tốc độ nội địa hóa tăng nhanh như hiện nay, nhiều khả năng tới năm 2030 – 2035, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành dệt may sẽ đạt mức 65% – 68%./.

Nguồn VOV.vn