Ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu hàng dệt may đã tăng đều đặn 5 tháng liên tiếp và tháng 8 lập kỷ lục 3,16 tỷ USD. Theo đó, dệt may hiện là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 2, chỉ sau xuất khẩu điện thoại, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng (cả năm 2017 chỉ chiếm 12,2%).
Lũy kế 8 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 19,76 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 2,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Sau 2/3 chặng đường của năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 9,11 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 46,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Xét trên quy mô doanh nghiệp, nửa đầu năm 2018 hầu hết các đơn vị ngành dệt may đều ghi nhận tăng trưởng.
Đứng đầu là Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (mã HTG) với mức tăng 329%; tăng trưởng trên 70% có CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK) và CTCP May Sông Hồng (MSH); tăng trưởng trên 50% có “ông lớn” Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG), CTCP Damsan (mã ADS).
Những doanh nghiệp còn lại như CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (mã TCM), CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL),… cũng đều khả quan.
Cổ phiếu doanh nghiệp dệt may bứt phá mạnh mẽ
Bứt phá từ thời điểm trung tuần tháng 7, con số hơn 1.000 điểm của chỉ số Vn-Index sau hơn 3 tháng đã trở lại, đồng thời xoá tan chuỗi ngày đi ngang trong biên độ hẹp của thị trường chứng khoán.
Diễn biến tương tự với Vn-Index, 3 cổ phiếu nổi bật ngành dệt may là TCM, TNG và GIL đều tạo đáy ở giai đoạn đầu tháng 7 và đi lên. Tính từ đáy tháng 7 đến giá chốt ngày 31/8, TNG đã tăng 24%, GIL tăng 30% còn TCM tăng được tới gần 40%.
Phiên hôm 18/9, sau thông tin Mỹ chính thức áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, cổ phiếu nhóm dệt may tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là cổ phiếu TNG tăng kịch trần lên mức 14.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh tác động tích cực của việc tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng từ cuối tháng 6, sự bứt phá của cổ phiếu ngành dệt may còn có sự hỗ trợ rất lớn từ yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
TNG mới đây cũng đã công bố kết quả kinh doanh 8 tháng được đánh giá khả quan, với doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 2.359 tỷ đồng và 118 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 44% và 53% so với cùng kỳ năm 2017. So với con số kế hoạch là 2.750 tỷ doanh thu và 127 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, TNG đã lần lượt thực hiện được 86% chỉ tiêu doanh thu và 93% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong khí đó, GIL tiếp tục giữ vững ngôi đầu về lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS). Báo cáo tài chính hợp nhất quý II ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.247 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế cũng tăng 31% so với nửa đầu năm ngoái lên mức 64,4 tỷ đồng. EPS 6 tháng đầu năm đạt 4.944 đồng.
Đối với TCM, kết quả kinh doanh tháng 7 năm 2018 rất ấn tượng với doanh thu thuần đạt khoảng 15,4 triệu USD (hơn 360 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt gần 1,7 triệu USD (gần 40 tỷ đồng) tương đương với 77% lợi nhuận của cả quý III năm ngoái. Lũy kế 7 tháng đầu năm, lợi nhuận của TCM đạt gần 147 tỷ đồng, vượt 33% so với kế hoạch.
Cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung?
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), xung đột thương mại Mỹ – Trung sẽ tiếp tục mang đến cơ hội cho ngành dệt may của Việt Nam.
Hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế từ 8-10%. Bởi vậy, BVSC cho rằng, ngành dệt may của Việt Nam là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nhờ hai khía cạnh.
Thứ nhất là đồng Nhân dân tệ (NDT) mất giá mạnh so với USD, qua đó NDT cũng mất giá so với VND giúp các doanh nghiệp nhập được vải và các nguyên phụ liệu dệt may, da giày với giá rẻ hơn.
Thứ hai là các ngành này của Việt Nam có thể lấy thêm được thị phần của Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhờ mức giá cạnh tranh hơn.Tuy vậy, quá trình hưởng lợi cũng sẽ diễn ra với quy mô vừa phải và từ từ.
Nhiều năm nay, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), trong 31 tỷ USD giá trị xuất khẩu ngành dệt may thực hiện được trong năm 2017, thì xuất khẩu sang Mỹ đạt 12,8 tỷ USD, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Dự báo, xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ trong năm nay có thể đạt từ 13,8 – 14 tỷ USD.
Nguồn Diễn đàn đầu tư