Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Dù không phải lần đầu Bộ Công Thương đưa ra quy hoạch nhưng xem ra “chiếc áo” dệt may vẫn… chắp vá.
Theo những con số mà dự thảo này đưa ra, có vẻ như hơi quá sức với ngành dệt may. Đơn cử như dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 3.000 nghìn tấn sợi, năm 2025 đạt 3.700 nghìn tấn, năm 2035 đạt 5.000 nghìn tấn; về vải đạt 2.200 nghìn tấn, 3.500 nghìn tấn, 4.700 nghìn tấn; về sản phẩm may đạt 6.000 triệu sản phẩm, 8.000 triệu sản phẩm và 10.000 triệu sản phẩm.
Bộ Công Thương dự báo tỷ trọng giá trị tăng thêm ngành dệt may so với giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 chiếm khoảng 21 – 22%, năm 2025 đạt khoảng 23 – 25%, năm 2035 khoảng 18 – 20%.
Dự thảo tiếp tục nêu những khó khăn trong đó lao động được xem là bài toán đưa ra nhiều năm nay nhưng chưa có lời giải thấu đáo.
Trở lại 3 năm trước, Bộ Công Thương đã triển khai quy hoạch phát triển ngành dệt may tại Quyết định 3218/QĐ-BCT 11/4/2014. Nhưng, đến nay nhiều tác động cả khách quan và chủ quan đã ít nhiều ảnh hưởng tới “con đường” mà ngành này đã vạch ra. Đơn cử như chuỗi cung ứng, một trong những yếu tố quyết định tới sự thành công của dệt may trong giai đoạn hiện nay lại đang gặp phải nhiều vấn đề.
Ngành này vẫn đang “ăn đong” nguyên liệu. Đúng ra là không có khả năng tìm được nguồn vải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và thời gian giao hàng, trong khi hoạt động đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ chưa tương xứng. Chưa kể, khâu dệt nhuộm và hoàn tất cũng đang là vấn đề khiến ngành “đau đầu”. Phần lớn đầu tư bài bản vẫn thuộc về các doanh nghiệp FDI, chiếm tới 65% năng lực sản xuất.
Khâu thiết kế vẫn tiếp tục là điểm yếu “tử huyệt”, dù đã nhận diện từ lâu nhưng ngành này vẫn đang lúng túng.
Đó là một vài nhận diện về bức tranh tổng thể ngành dệt may kể từ khi ngành này thực hiện theo đề án quy hoạch phát triển. Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói rằng, với bản quy hoạch hiện tại, nhiều địa phương đã xây dựng từng quy hoạch riêng. Tuy nhiên, theo ông Cẩm các địa phương đang làm cho bức tranh quy hoạch ngành này trở nên manh mún và không đồng bộ.