Theo số liệu của WTO, Việt Nam cùng với Bangladet và Trung Quốc là ba nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới. Lượng nhập khẩu bông của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên do ngành dệt may ngày càng tăng trưởng và nhu cầu về bông sợi cũng tăng lên, nhất là từ Trung Quốc.
Cơ hội lớn của ngành sản xuất bông Việt Nam. (Ảnh: Cotton Australia) |
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 5 trên thế giới và hàng dệt may là lĩnh vực mang lại nguồn thu xuất khẩu lớn thứ hai (tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2016 đạt khoảng 24 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 14,58 tỷ USD).
Mặc dù Việt Nam có sản xuất bông nhưng sản lượng này không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại và ước tính sản lượng sẽ giảm trong một vài năm tới, bất chấp việc gia tăng xuất khẩu các sản phẩm bông. Mức tiêu thụ bông của Việt Nam đã tăng bình quân khoảng 22% trong 5 năm qua.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, năm 2016, trung bình mỗi tháng Việt Nam chi nhập khẩu bông gần 140 triệu USD. Cụ thể, trong năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu lượng bông 1,020 ngàn tấn, trị giá 1,637 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (Vcosa) cho biết, do nguồn cung bông trong nước hiện chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu, nên nhập khẩu bông tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Việt Nam nhập khẩu bông từ 10 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu nhập từ Mỹ, nguồn cung lớn thứ hai đến từ Ấn Độ, tiếp đến là Brazil.
Có nhiều yếu tố góp phần vào sự suy giảm sản lượng cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Ở trong nước, sản lượng bông của Việt Nam giảm, giá quốc tế cũng giảm và chi phí sản xuất bông ở Việt Nam chưa thể cạnh tranh được. Ngoài ra, các loại cây công nghiệp khác như sắn, điều, cà phê và ngô đang cạnh tranh về diện tích và có lợi nhuận hơn bông.
Các chính sách ưu tiên cũng chưa thực sự mang lại nhiều ưu đãi cho người trồng bông làm cho lợi nhuận giảm đi nhất định. Ước tính diện tích trồng bông sẽ giảm xuống dưới 1.000 ha trong tương lai gần. Ở nước ngoài, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã có báo cáo cho thấy lượng tiêu thụ bông của nước này giảm nhưng sản lượng lại tăng lên. Mỹ là nhà cung cấp bông thô lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm nay, và việc thặng dư sản lượng bông có thể làm cho giá bị giảm thêm, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng nhập khẩu nguyên liệu này.
Tương tự như vậy, Trung Quốc đang nhập khẩu ít bông thô hơn trước, cũng góp phần làm cho thặng dư sản lượng tăng lên. Các nhà cung cấp bông chính của Việt Nam hiện nay, ngoài Mỹ còn có Ấn Độ, Brazil, Australia và Bờ Biển Ngà. 5 quốc gia này chiếm tới 70-80% lượng nhập khẩu bông của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 65% lượng sợi (bông và sản phẩm khác) được sản xuất ra. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc là những nước nhập khẩu lớn nhất lượng sợi này. Điều này cũng mở ra triển vọng cho ngành dệt và may mặc của Việt Nam.
Hiện nay đã có các khoản đầu tư trong và ngoài nước nhằm cải thiện quá trình sản xuất như kéo sợi, dệt, nhuộm. Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như FTA với EU, FTA với Hàn Quốc hay TPP, càng mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp dệt may phát triển. Và dù sản lượng bông của Việt Nam có thể giảm nhưng vị thế của Việt Nam trong ngành bông thế giới sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Mặc dù phụ thuộc nhiều vào lượng nhập khẩu để duy trì sản xuất nhưng với giá cả trên thị trường thế giới và các FTA được thực thi trong điều kiện thị trường dệt may ở Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á vẫn tăng trưởng mạnh thì xuất khẩu bông của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm tới.
Nguồn Báo điện tử Công thương