Xuất khẩu kỳ vọng “lội ngược dòng” nhờ EVFTA

[ad_1]

Chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, suốt nửa đầu năm nay, xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng tại tất cả ngành hàng chủ lực. Dự kiến ngày 1.8 tới đây, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu lớn cho Việt Nam vào thị trường EU, đồng thời gia tăng mạnh mẽ thu hút FDI từ EU.

Các mũi chủ lực gặp khó

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XNK hàng hóa đạt 238,4 tỉ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK đạt 121,2 tỉ USD, giảm 1,1%; NK đạt 117,2 tỉ USD, giảm 3%. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu đạt mức 4 tỉ USD.

Riêng ở góc độ XK, 6 tháng qua, khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỉ USD, tăng 11,7%, chiếm 34,1% tổng kim ngạch XK; khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỉ USD, giảm 6,7%, chiếm 65,9%.

Bộ Công Thương đánh giá, việc khối doanh nghiệp trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hai con số trong bối cảnh kim ngạch XK của khối doanh nghiệp FDI sụt giảm được xem là điểm sáng của hoạt động XK hàng hóa từ đầu năm đến nay. Bộ này phân tích, điểm đáng chú ý trong “bức tranh” XK những tháng đầu năm nay là sự sụt giảm XK của cả 3 nhóm ngành quan trọng.

Cụ thể, 5 tháng đầu năm, nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức giảm thấp nhất là 1,2% so với cùng kỳ năm 2019; tiếp theo là đến nhóm hàng nông, thủy sản với mức giảm 4,7% và nhiên liệu khoáng sản có mức giảm cao nhất là 31,3%.

“Như vậy, không còn chỉ là giảm tốc nữa, chịu ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, bị nhiều đối tác cắt đơn hàng, XK của Việt Nam càng ngày càng gặp nhiều khó khăn trong quý II/2020”, Bộ Công Thương nhận định.

Hiện tại, Việt Nam mặc dù đã thành công trong cuộc chiến chống COVID-19, nhưng việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh XK lại phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài. Trong khi đó, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu, quá trình hồi phục sẽ mất nhiều thời gian. Từ những phân tích trên, Bộ Công Thương cho rằng, trong những tháng tới, XNK của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Lưu Mạnh Tưởng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chia sẻ, trong số các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và thực thi, EVFTA được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

EVFTA là “đòn bẩy” tăng trưởng, mở ra cơ hội XK

Ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) đánh giá, từ khoảng những năm 90 đến nay, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt FTA, độ mở của nền kinh tế rất lớn. Với EVFTA, EU là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. EU sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Từ trước đến nay, chưa có một đối tác nào cam kết ở mức cao như vậy. Hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như da giày, dệt may… lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm với mức xóa bỏ dần hàng năm. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu.

“Hiệp định này sẽ đem lại giá trị gia tăng về GDP cho nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng cũng có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu”, ông Tùng nói.

Trong khi đó, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá) còn hạn chế. Từ đó, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ,… là rất đáng kể.

“Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)”, ông Khanh nhấn mạnh.

Riêng ở góc độ thu hút đầu tư, ông Ngô Chung Khanh nhận định, môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.

Dù vậy, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh, cũng nên thận trọng khi nhìn nhận vấn đề này bởi trước đây với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh giá khi có hiệu lực sẽ làm tăng thu hút FDI nhưng sau một năm CPTPP có hiệu lực, tổng kết lại cho thấy thu hút đầu tư theo chiều giảm xuống.

“Việt Nam đang trong tâm thế đón đại bàng làm tổ nhưng đón được hay không, lan tỏa đầu tư đến đâu thì khó đưa ra nhận định chắc chắn. Tuy nhiên, tôi cảm nhận với EVFTA thu hút đầu tư sẽ tăng, khác với CPTPP”, ông Khanh nói.


[ad_2]