Xuất khẩu dệt may có thể hồi phục từ quý III/2020

[ad_1]


Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng dệt may được dự báo sẽ phục hồi trước và chiếm tỷ lệ bán chính trong quý III, quý IV năm nay.



Xuất khẩu dệt may dự báo sẽ phục hồi từ quý 3 do nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại.
Xuất khẩu dệt may dự báo sẽ phục hồi từ quý 3 do nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại

Khủng hoảng toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi nền kinh tế, mọi ngành nghề. Với đặc thù là ngành hội nhập từ sớm và sâu rộng, ngành dệt may rất sâu đã và đang bị ảnh hưởng vô cùng lớn về đơn hàng, sự đứt đoạn chuỗi cung ứng …

Hàng giá rẻ phục hồi trước

Giống như nhiều ngành sản xuất khác, ngành dệt may đã “ngấm đòn” dịch bệnh, xuất khẩu 4 tháng chỉ đạt 10,7 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ, thặng dư thương mại 4 tháng đạt 5,38 tỷ USD, giảm 3,19%.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) dự báo, hành vi tiêu dùng của thế giới chưa biết biến chuyển như thế nào. Cầu dệt may chắc chắn sẽ giảm mạnh sau khi dịch bệnh được khống chế, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2020 dự báo giảm 20%.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas nhận định, hàng hoá dệt may chưa nằm ở mức thiết yếu cao như thực phẩm, thuốc men, các thiết bị bảo vệ con người… nhưng cũng thuộc nhóm các sản phẩm có nhu cầu thiết yếu. Chính vì vậy, sau khi đại dịch Covid-19 đi qua cũng sẽ là một trong các nhóm hàng hoá có thể phục hồi sớm. 3 yếu tố đo sự phục hồi của nhu cầu hàng dệt may là: Hoàn cảnh kinh tế, nhận thức, niềm tin và thái độ.

“Các mặt hàng cơ bản, giá rẻ sẽ phục hồi trước và chiếm tỷ lệ bán chính trong quý III, quý IV/2020. Khả năng phục hồi các mặt hàng cao cấp phụ thuộc vào tiến trình tạo việc làm mới tại EU và Mỹ, nếu phục hồi tốt có thể hy vọng sự phục hồi mặt hàng cấp trung trở lên vào lễ Giáng sinh 2020”, ông Trường dự báo.

Tuy nhiên, kể cả khi nhu cầu sẽ có phục hồi từ quý III/2020 thì hành vi mua sắm cũng tác động trực tiếp đến các nhóm hàng dệt may. Cụ thể, nhiều khả năng thị trường bắt đầu bằng việc phục hồi các sản phẩm cơ bản, giá trung bình thấp và thấp, theo đó, các doanh nghiệp có vị trí tốt hơn trong chuỗi cung ứng sẽ có đơn hàng trước.

Do vậy, khả năng tổng cầu thế giới 2020 của dệt may vẫn giảm 20% – 25%. Các năm tiếp theo, tiến trình hồi phục sẽ gắn liền với tỷ lệ có việc làm ở Mỹ và EU. Xu thế sản phẩm xanh, tỷ lệ tiêu dùng ít đi sau khi xem xét lại hành vi mua sắm của người tiêu dùng sẽ là chủ đạo, dẫn hướng thị trường dệt may thế giới.

Doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu kinh doanh

Tổng cầu hàng dệt may sụt giảm, giao thương chịu hệ lụy từ Covid-19 đã tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành, kể cả các doanh nghiệp lớn cũng không thoát.

Đại diện Công ty Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, tháng 4/2020, sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh vì Covid-19, khi lợi nhuận sau thuế 1,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 12,7 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng, TNG đạt doanh thu 966 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 35 tỷ đồng, lần lượt giảm 12% và 30% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo TNG cho biết, lợi nhuận sụt giảm mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ và châu Âu, các thị trường xuất khẩu chính chiếm 90% doanh thu doanh nghiệp.

Tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra, TNG đặt kế hoạch doanh thu 4.600 tỷ đồng và lãi sau thuế 230 tỷ đồng, tương đương năm 2019. Chỉ tiêu này thấp hơn 10% so với kế hoạch mà Công ty xây dựng hồi đầu năm. Qua 4 tháng, doanh nghiệp đạt 21% chỉ tiêu doanh thu và 15,2% lợi nhuận.

Đại diện Công ty cổ phần May Sông Hồng cho biết, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh đi xuống. Doanh thu quý I/2020 của Công ty giảm 3,4% so với cùng kỳ, chỉ đạt  939,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 62 tỷ đồng, giảm 28,6%. Hàng tồn kho ghi nhận tăng 11%, lên mức 732,3 tỷ đồng, trong đó nguyên vật liệu tăng 17,8%, đạt 265 tỷ đồng và thành phẩm là 398 tỷ đồng, tăng 33,2%.

Với diễn biến không thuận về thị trường xuất khẩu, Công ty đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2020 đạt 3.961 tỷ đồng, giảm 10.5% so với năm 2019, lợi nhuận ròng đạt 333 tỷ đồng, giảm 26,3%.

Năm 2019, May Sông Hồng đạt doanh thu 4.412 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận đạt 450 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang chịu nhiều hệ lụy từ dịch Covid-19, xuất khẩu của ngành dệt may nước ta sẽ chịu tác động rất mạnh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đưa ra 3 kịch bản xuất khẩu trong năm 2020. Theo đó, kịch bản lạc quan nhất thì kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt 35 tỷ USD, giảm 10% so với 2019. Kịch bản hiện thực nhất là khoảng 33,5 tỷ USD và thấp nhất 30 – 31 tỷ USD.


[ad_2]