Lạc quan đơn hàng sản xuất dệt may đầu năm

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các DN, tình hình sản xuất của ngành dệt may trong các tháng đầu năm tương đối ổn định vì lượng đơn hàng đã kí khá dồi dào.

Nhận định về tình hình sản xuất đầu năm, ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tình hình của ngành dệt may trong các tháng đầu năm tương đối ổn định, hầu hết các DN đã có đơn hàng đến hết quý I, trong đó có một số DN đã có đơn hàng đến hết quý II. Dù phải trải qua một năm 2016 đầy khó khăn, nhưng với nhiều nỗ lực, các DN dệt may vẫn giữ được quan hệ tốt với các khách hàng truyền thống và ổn định được nguồn lao động để tiếp tục duy trì sản xuất. “Trong các tháng đầu năm tình hình sản xuất của các DN khả quan hơn năm ngoái, tuy nhiên tăng trưởng của ngành dệt may trong năm nay vẫn khó dự đoán vì còn phụ thuộc vào tình hình của các tháng cuối năm”, ông Hồng cho biết.

Thông tin về tình hình đơn hàng trong các tháng đầu năm, ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch  HĐQT Công ty CP May Quốc tế Thắng Lợi cho biết, hiện DN này đã có đơn hàng đến hết tháng 6, dự kiến tình hình sản xuất trong các tháng đầu năm sẽ diễn ra bình thường. Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho hay, hiện hầu hết các DN trong tập đoàn đã có đơn hàng đến hết quý II/2017.

Tuy đơn hàng khá dồi dào song theo ông Phạm Xuân Hồng, phần lớn các đơn hàng DN kí được trong các tháng đầu năm đều là đơn hàng vừa và nhỏ, mã hàng hạn chế. Nguyên nhân là do các thị trường XK chính vẫn chưa thực sự ổn định, khách hàng vẫn chưa mạnh dạn đặt các đơn hàng lớn. Bên cạnh sự thiếu hụt của các đơn hàng lớn, hiệu quả và lợi nhuận của các DN dệt may trong năm nay cũng sẽ hạn chế do giá đơn hàng không tăng, trong khi chi phí sản xuất của các DN không ngừng tăng cao.

Theo ông Ngô Đức Hòa, hàng nhiều nhưng giá gia công không tăng, trong khi chi phí về bảo hiểm cho người lao động liên tục tăng, cùng với sự gia tăng chi phí của nguyên liệu đầu vào đang làm giảm lợi nhuận của DN. Với mức lợi nhuận hiện tại sẽ hạn chế việc tăng thu nhập cho người lao động tại các DN dệt may, từ đó việc giữ chân người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn…

Cùng với các khó khăn nêu trên, theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam,  trong năm 2017, ngành dệt may vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chưa có được sự hỗ trợ từ các Hiệp định thương mại tự do tại các thị trường XK chính như Mỹ và EU. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc thu hút các đơn hàng lớn và dài hạn của các DN từ các thị trường này. Bên cạnh đó, các DN dệt may trong nước còn tiếp tục phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia XK dệt may lớn trên thế giới như Banglades, Campuchia, Myamar vì các nước này, bên cạnh lợi thế về thuế khi XK vào Mỹ và EU, lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động giá rẻ còn có nhiều chính sách hỗ trợ DN về thuế, tỷ giá để thu hút đơn hàng XK.

Trước những khó khăn được dự báo trước, theo khuyến cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để duy trì sản xuất, đứng vững trên thị trường, các DN cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, các DN cần quan tâm hơn nữa đến thị trường XK trước nguy cơ bị cạnh tranh trực tiếp ngay trên sân nhà.

Cùng với sự nỗ lực từ phía các DN, Chính phủ cũng cần có các chính sách kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành dệt may, trong đó, một trong những khó khăn điển hình là gánh nặng về chi phí lao động do tác động từ chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) kì vọng sẽ tạo ra sự tăng trưởng đột phá cho ngành dệt may, tuy nhiên cùng với việc nước Anh tách ra khỏi Liên minh châu Âu và việc Mỹ có nhiều khả năng rút khỏi TPP đã có tác động nhất định tới các DN dệt may Việt Nam làm chững lại xu hướng đầu tư, mở rộng sản xuất của các DN. Mặc dù vậy, các DN vẫn cần có sự hỗ trợ kịp thời chính sách về phát triển công nghiệp hỗ trợ, thu hút công nghệ tiên tiến nhằm giúp DN đầu tư thiết kế, may mẫu, đóng gói, vận chuyển… để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng hiệu quả và lợi nhuận, giúp DN đứng vững tại các thị trường XK.

Nguồn: baohaiquan.vn