Để được hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng, doanh nghiệp phải tuân thủ quy tắc xuất xứ hàng hóa nếu không muốn chịu mức thuế như bình thường.
“Điều quan trọng nhất để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng theo các FTA, chính là quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nếu không đảm bảo yêu cầu này, doanh nghiệp cũng phải chịu mức thuế như bình thường”.
Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Dệt may Việt Nam với quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA” do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) phối hợp với Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong các thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam, châu Âu được đánh giá là một trong những thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng nhưng cũng rất khó tính.
Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu sang EU 3,5 tỷ USD. Do vậy, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào đầu năm 2018, sẽ tạo cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị trường và phát triển nhanh hơn.
“Việc xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường châu Âu trong những năm gần đây đã có những bước tiến mạnh mẽ, song vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam và thị trường đầy tiềm năng này”, đại diện Vitas cho biết.
Từ thực trạng này, Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ chế kiểm tra hải quan của EU với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Thông qua Hội thảo, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng ưu thế cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực nhờ có được lợi thế về cắt giảm thuế quan… qua đó góp phần giúp hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam xâm nhập hiệu quả hơn vào thị trường EU.
Tại Hội thảo, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas cho biết, khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới EVFTA có lợi thế về thuế xuất đối với hàng dệt may sẽ giảm dần về 0% trong khoảng 7 năm, cùng với đó là những nội dung liên quan đến điều kiện lao động và môi trường. “Nếu Việt Nam đáp ứng được những quy định về những vấn đề này thì ngành Dệt may Việt Nam sẽ phát triển một cách bền vững hơn”, ông Cẩm khẳng định.
VOV.VN – Lợi nhuận trước thuế của riêng tập đoàn không tính đơn vị phụ thuộc năm 2016 đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ.
Các chuyên gia quốc tế cũng cho rằng, điều quan trọng nhất để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng theo các FTA, chính là quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nếu không đảm bảo yêu cầu này, doanh nghiệp cũng phải chịu mức thuế như bình thường.
Chuyên gia Dự án EU-MUTRAP, ông Stefan Moser lưu ý, quy tắc xuất xứ luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các FTA. “Đây là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không, giúp duy trì sự cân bằng hợp lý giữa thuận lợi hóa thương mại và phòng tránh gian lận thương mại, đo mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA của các nền kinh tế thành viên”, ông Stefan Moser chỉ rõ./.
Nguồn: vov.vn