Ngành dệt may giải bài toán nguyên liệu thế nào để tận dụng EVFTA

[ad_1]

Nan giải bài toán nguyên liệu

Châu Âu vốn là thị trường đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc xuất xứ. Do đó, dù Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) được thông qua thì rào cản phi thuế quan cũng không hề được hạ xuống. Vì vậy, để tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải đáp ứng được quy tắc nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, đối với các sản phẩm dệt may của Việt Nam muốn vào châu Âu thì nguyên liệu phải được sản xuất trong nước. Vấn đề ở đây là ngành dệt may vẫn phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã cho thấy ngành này phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Khi Trung Quốc ngưng sản xuất, ngành dệt may trong nước cũng điêu đứng vì thiếu nguyên liệu để sản xuất. Và quan trong nhất là nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc không được châu Âu chấp thuận.





Nguyên liệu dùng trong dệt may phải có nguồn gốc trong nước mới đáp ứng được vấn đề quy tắc xuất xứ mà EU đề ra. Ảnh: Trần Hùng

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM chia sẻ: Ngành sản xuất vải trong nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp không tìm được nguồn nguyên liệu phù hợp buộc lòng phải làm gia công. Nghĩa là các đơn hàng từ châu Âu đã được phía đối tác cung cấp nguyên liệu, chúng ta chỉ sản xuất. Làm gia công thì rõ ràng giá trị hàng hóa không cao so với việc chúng ta tự sản xuất. Đây là vấn đề nan giải của ngành dệt may trong nhiều năm qua”.

Do đó để có thể tận dụng tốt nhất những lợi thế mà hiệp định EVFTA mang lại thì việc giải bài toàn nguyên liệu là vấn đề cấp thiết nhất. Tuy vậy, khi đã tìm được nguồn nguyên liệu phù hợp thì vấn đề chưa dừng lại ở đó. Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean nói: “Sản xuất vải là một chuyện nhưng chúng ta phải làm sao hạ được giá thành. Như hiện tại giá nguyên liệu trong nước vẫn còn hơn so với nguyên liệu nhập khẩu. Điều này dẫn đến giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam cao hơn. Khả năng cạnh tranh tại thị trường châu Âu chính vì thế cũng sụt giảm”.

Gỡ nút thắt, chờ cơ hội bứt phá

Nhằm giải quyết bài toán nguyên liệu cho ngành dệt may, những năm gần đây Chính phủ đã quan tâm hơn, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực này.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tự chủ nguồn nguyên liệu, Công ty CP Dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công đã xây dựng nhà máy dệt và nhuộm vải ở khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long. Mỗi năm nhà máy này sản xuất hơn 15 nghìn tấn vải. Việc tự chủ về nguyên liệu khiến Thành Công tự tin khi EVFTA có hiệu lực.

Ông Trần Như Tùng – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công cho biết: “Hiện chúng tôi đã xây dựng một nhà máy nhuộm vải ở khu công nghiệp Hòa Phú, tỉnh Vĩnh Long với hơn 1.500 lao động đang làm việc. Mỗi năm nhà máy này làm ra số lượng vải đủ cho nhu cầu sản xuất của Thành Công. Do chiến lược sắp tới của công ty là mở rộng hơn nữa tại thị trường châu Âu nên số lượng vải cần dùng cũng sẽ nhiều hơn. Do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ xúc tiến mở thêm một nhà máy nữa tại miền Tây để có thể tự chủ nguyên liệu trong sản xuất”.



Chỉ khi chủ động được nguồn nguyên liệu ngành dệt may mới thực sự bứt phá. Ảnh: Trần Hùng

Với những doanh nghiệp không thể tự sản xuất nguyên liệu, một giải pháp khác là lựa chọn nhập khẩu, Việt Thắng Jean là một ví dụ điển hình. Mỗi năm doanh nghiệp này đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 7 triệu USD chỉ riêng tại thị trường châu Âu, đứng thứ 3 sau Mỹ và Nhật. Mặc dù công ty vẫn chú trọng xuất sang Nhật Bản và Mỹ, tuy nhiên việc mở rộng thị trường châu Âu đã được công ty vạch ra chiến lược cụ thể để tăng 20% giá trị trong những năm tới.Để đạt được mục tiêu này chúng tôi đã ký kết thu mua nguyên phụ liệu từ các đối tác tại Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kì trong dài hạn”, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt nói.

Lợi thế từ EVFTA mang lại cho ngành dệt may là không thể bàn cãi. Và khó khăn cũng đã được chỉ ra. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp dệt may giải quyết những nút thắt và nâng cao hơn nữa nguồn lực nội tại. Chỉ khi làm được những việc này thì EVFTA mới thực sự là cơ hội cho ngành này bứt phá.


[ad_2]