Doanh nghiệp dệt may mong sớm được tiếp sức

[ad_1]

Những khoản hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ được tăng tốc triển khai ở cấp vi mô sẽ là điểm tựa, cộng với nỗ lực của bản thân, sẽ giúp doanh nghiệp trụ được qua “cơn bão” Covid-19.

“Phao cứu sinh”

Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 41 – 42 tỷ USD trong năm 2020. Quý I/2019, xuất khẩu của ngành đạt trên 7 tỷ USD, nhưng năm nay, do tác động của Covid-19, nên chỉ đạt 6,5 tỷ USD. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý II tiếp tục sụt giảm, đơn hàng của ngành giảm khoảng 70% trong tháng 4, tháng 5 và khả năng phục hồi đến cuối năm cũng sẽ rất chậm.

Là ngành xuất khẩu lớn với gần 6 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp, nên hơn lúc nào hết, doanh nghiệp dệt may đang rất chờ đợi các khoản hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), khẳng định, chính sách hỗ trợ của Chính phủ thời điểm này như “phao cứu sinh” của doanh nghiệp và cần đẩy nhanh việc thực thi ở cấp vi mô để doanh nghiệp sớm được tiếp cận.

Những khoản thuế được giãn đóng, miễn/giảm, những khoản bảo hiểm được gia hạn… sẽ giảm áp lực dòng tiền, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội vượt qua khó khăn để trụ lại, tránh được phá sản, duy trì việc làm và thu nhập cho người lao động trong và sau dịch, đảm bảo an sinh xã hội.

“Chúng tôi xác định, phần lớn nguồn hỗ trợ sẽ dành cho người lao động, bởi họ chính là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Xuân Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên – Công ty cổ phần chia sẻ.

Dẫu vậy, doanh nghiệp vẫn còn nhiều băn khoăn. Đại diện Vinatex phân tích, doanh nghiệp dệt may chủ yếu xuất khẩu không có thuế VAT; thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 đã tạm nộp hàng quý, chỉ có quý I/2020 là chưa nộp, nhưng trong quý này, đa số doanh nghiệp không có lợi nhuận, nên thực chất, doanh nghiệp dệt may không được giảm được nhiều chi phí từ chính sách giãn, miễn/giảm thuế.

Trong khi đó, khoản bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp lên tới 34% quỹ lương của doanh nghiệp dệt may; tỷ trọng chi đóng các khoản này lên tới 20% tổng chi phí của doanh nghiệp. Do đó, ngành dệt may đề nghị, với các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất mà doanh nghiệp đã nộp cho năm 2019, nên được trừ vào các khoản phí cần đóng như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… của năm 2020.

Thay đổi cơ chế hỗ trợ tín dụng

Covid-19 kéo dài đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây đình trệ giao thương, đầu tư, làm giảm cả cung và cầu trên thị trường thế giới. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp dệt may, phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; các ngành sản xuất lớn ảnh hưởng nặng nề.

Trước tình thế cấp bách của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã và đang xem xét ban hành những chính sách hỗ trợ sát sườn cho các ngành sản xuất, nhưng quan ngại lớn nhất của không ít doanh nghiệp – đối tượng thụ hưởng chính từ các chính sách này là độ trễ của việc triển khai.

Theo một nghiên cứu mới đây của Trường đại học Kinh tế quốc dân, có đến 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động; 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương; 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất, kinh doanh; 34,7% lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn.

Theo Bộ Công thương, ưu tiên quan trọng nhất trong thời điểm này các khoản hỗ trợ tín dụng phải nhanh và trúng để các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nếu để một doanh nghiệp phải đóng cửa vĩnh viễn sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tiêu cực đối với các doanh nghiệp khác dọc theo chuỗi cung ứng.

Để tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp, Bộ Công thương cho rằng, cần phải thay đổi cơ chế hỗ trợ tín dụng, bởi đây là hạng mục các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ nhất.

Ngoài ra, theo Bộ Công thương, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có văn bản cho phép hoãn đóng bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, nhưng trên thực tế, để giữ chân lao động, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng không để công nhân phải nghỉ việc, nên phải bố trí giãn việc, cho công nhân đi làm luân phiên. Những trường hợp như vậy sẽ không được hoãn đóng phí bảo hiểm.

“Do đó, kiến nghị cho phép miễn đóng bảo hiểm xã hội cho toàn bộ doanh nghiệp từ 3 đến 6 tháng đầu năm 2020, không khống chế tỷ lệ phần trăm lao động phải nghỉ việc. Sau tháng 6/2020, có thể xem xét tiếp tục miễn đóng bảo hiểm xã hội nếu dịch vẫn kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp. Kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép doanh nghiệp được miễn nộp phí công đoàn cho cả năm 2020, cho phép doanh nghiệp giữ lại toàn bộ khoản phí công đoàn được miễn để hỗ trợ người lao động”, Bộ Công thương đề xuất.


[ad_2]