[ad_1]
Từ giữa tháng 3, khi các nhà máy Trung Quốc tái khởi động, doanh nghiệp dệt may Việt Nam bắt đầu được cung cấp nguyên liệu trở lại.
“Một số đơn vị thành viên của tổng công ty đã có nguyên liệu về thêm trong trung tuần tháng 3”, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cho biết. Ông hy vọng, các lô hàng nguyên liệu sẽ về dồi dào, đều đặn trong nửa cuối tháng 3, đầu tháng 4 để không bị gián đoạn sản xuất ở một số phân xưởng.
Không riêng Tổng công ty May Hưng Yên, nhiều doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, nguồn cung nguyên phụ liệu dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu được nối lại từ đầu tháng 3 khi các nhà máy tại đây bắt đầu hoạt động trở lại nhờ dịch bệnh được kìm chế.
Theo ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Vinatex, nguyên liệu bước đầu được cung ứng tốt hơn. Các doanh nghiệp dệt may bắt đầu tăng tốc sản xuất trong nửa cuối tháng 3 và 4 để bù lại thời gian gián đoạn thiếu nguyên phụ liệu trước đó, kịp tiến độ giao hàng cho khách.
Nhờ vậy, lãnh đạo Vinatex kỳ vọng, doanh nghiệp may mặc sẽ “gỡ” lại được phần sụt giảm kim ngạch xuất khẩu 5,3% trong 2 tháng đầu năm, điều chưa từng xảy ra trong vài năm gần đây.
Ông Trường cho biết, nguyên liệu bắt đầu được cung ứng trở lại còn nhờ nỗ lực thông quan nhanh nhất có thể từ phía hải quan. Trong một tuần qua, bình quân mỗi ngày hơn 1.000 xe hàng được thông quan tại các cửa khẩu, một nửa trong số đó là xe chở nguyên phụ liệu sản xuất.
Công nhân sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn tại Công ty Dệt kim Đông Xuân. Ảnh: Cao Nam |
Mặt khác, trong tháng 3, liên tục những buổi giao thương trực tuyến tìm nguồn hàng nguyên liệu cũng được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức, kết nối cho 20 doanh nghiệp dệt may trong nước và các doanh nghiệp đến từ vùng lõi sản xuất vải, nguyên phụ liệu dệt may như Hàng Châu, Chiết Giang (Trung Quốc). Một số doanh nghiệp trong nước bước đầu đã chốt được những đơn hàng nhập khẩu vải nguyên liệu.
Nguyên liệu về khi trong kho vừa cạn, nhưng vấn đề lo lắng hiện nay, theo ông Cao Hữu Hiếu – Phó tổng giám đốc Vinatex, là cần bố trí sản xuất bù đắp lại thời gian 7-10 ngày bị trống đơn hàng. Ngoài ra, do Covid-19, tổng cầu giảm sẽ gây khó khăn cho các đơn hàng, đơn giá trong 6 tháng cuối năm.
Dù vậy, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, dịch Covid-19 sẽ là “phép thử” tốt với ngành dệt may Việt Nam lúc này. “Doanh nghiệp sẽ tự nhìn lại mình, tổ chức lại để tìm ra cách sắp xếp lại chuỗi sản xuất, cung ứng của ngành”, ông nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng thấy Covid-19 giúp nhìn ra những điểm yếu của nhiều ngành sản xuất, trong đó có dệt may. Lúc này tự thân mỗi doanh nghiệp sẽ phải tự xoay xở, ứng phó. Chẳng hạn, trong khi chờ đợi những lô hàng nguyên phụ liệu nhập khẩu về, có thể chuyển hướng sản xuất, như làm khẩu trang vải kháng khuẩn, để bù đắp sự gián đoạn.
Tổng giám đốc Dệt kim Đông Xuân – Trần Việt tiết lộ, công ty không chịu tác động như nhiều doanh nghiệp dệt may trong ngành nhờ sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, tự sản xuất được vải, với mặt hàng chủ lực là vải dệt kim và 90% đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản.
Mặt khác, Dệt kim Đông Xuân còn chớp cơ hội tăng doanh số từ việc may khẩu trang và tăng sản lượng vải bán cho các doanh nghiệp trong ngành. Hiện tại, nghiệp đã sản xuất, cung ứng ra thị trường 5 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn, và cung cấp lượng vải kháng khuẩn cho các đơn vị dệt may khác sản xuất tương đương 10 triệu chiếc.
Chuyển hướng may khẩu trang phòng Covid-19 cũng giúp Công ty cổ phần Đầu tư & Thương mại TNG (Thái Nguyên) có doanh thu tiêu thụ nội địa tháng 2 tăng 240% so với cùng kỳ, đạt hơn 36 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch TNG nói “các đơn hàng năm 2020 rất tốt”. Với lợi thế là các đơn hàng sản xuất FOB chiếm đại đa số, hiện TNG vẫn chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và đảm bảo đủ cho sản xuất tới hết quý II, quý III
Hầu hết khách hàng của TNG đều đề nghị tăng đơn hàng, như Spormaster (Nga) đã tăng giá trị đơn hàng lên gấp 3. Giữa mùa dịch, TNG vẫn dự kiến tăng trưởng doanh thu khoảng 10%, tương đương gần 5.000 tỷ đồng.
Anh Minh