[ad_1]
(HNM) – Ngày 8-6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), mở ra cơ hội thâm nhập thị trường hàng đầu thế giới cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Với quy mô nhập khẩu hàng dệt may hằng năm hơn 250 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới (chiếm 34%). Tuy nhiên, hiện thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam vào thị trường này mới chiếm khoảng 2,7%. Như vậy, dư địa để ngành Dệt may gia tăng xuất khẩu vào EU sau khi EVFTA có hiệu lực là rất lớn.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công Thương), với EVFTA, 100% mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% sau tối đa 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1-8-2020). Cụ thể, đối với mặt hàng dệt may, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 5 năm và 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.
Tuy nhiên, để hiệp định mang lại hiệu quả, Việt Nam phải chứng minh cải cách mạnh mẽ, thể hiện được sự vươn lên trong thực hiện các cam kết. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Tổ chức thương mại thế giới và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), dệt may sẽ được hưởng lợi nhất từ phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. EVFTA sẽ là cơ hội để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực dệt và dệt nhuộm ở Việt Nam.
Về vấn đề này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: EU có những yêu cầu cao, nghiêm ngặt về nguyên tắc xuất xứ, môi trường, lao động với sản phẩm dệt may. Vì vậy, đây sẽ là những điểm trọng yếu trong chiến lược phát triển của ngành Dệt may Việt Nam thời gian tới. Quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA vẫn là thách thức trong ngắn hạn đối với ngành Dệt may Việt Nam. Bởi hiện ngành Dệt may Việt Nam vẫn chưa đủ vải chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vào EU. Việc mua vải trong nước phải trả 10% thuế giá trị gia tăng, đắt hơn so với vải nhập khẩu khiến lợi ích cắt giảm thuế quan chưa đủ bù đắp để giảm giá bán cạnh tranh với quốc gia khác. Do vậy, cần sớm đưa quy hoạch phát triển ngành Dệt may đi vào thực tế. Trong đó, cần xây dựng các khu công nghiệp dệt may có xử lý nước thải hiện đại, để chu trình dệt – nhuộm – may – hoàn tất được đầu tư phát triển.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, EVFTA là cơ hội lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp cần cải thiện rất nhiều để đủ tiềm lực, tạo sản phẩm cạnh tranh tốt về chất lượng, đáp ứng được yêu cầu, từ đó tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết rất sâu rộng như châu Âu. “Tận dụng cơ hội từ EVFTA, cùng với nỗ lực của ngành Dệt may, cần sự vào cuộc của các ban, ngành chức năng với những biện pháp hỗ trợ cụ thể để hàng dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội hơn nữa thâm nhập thị trường EU nói riêng, thế giới nói chung”, ông Hiếu nói.