[ad_1]
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư về da giày, dệt may, hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến nhằm quảng bá môi trường đầu tư đến với các doanh nghiệp trong khu vực và đẩy mạnh quan hệ thương mại và hợp tác kinh doanh song phương.
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (Bộ Công Thương) cho biết tại hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư trực tuyến với chủ đề “Thương mại và đầu tư Việt Nam – Ấn Độ trong trạng thái bình thường mới” đại sứ Phạm Sanh Châu nhận định rằng: “Giữa Việt Nam và Ấn Độ có nhiều cơ hội hợp tác phát triển chuỗi giá trị sản xuất – xuất khẩu giày dép, dệt may và đồ nội thất, hợp tác khai thác và nuôi trồng thủy hải sản”.
Cụ thể, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại Ấn Độ, với hàng may mặc và hải sản, Ấn Độ và Việt Nam có thị phần gần như bằng nhau tại thị trường EU nhưng Việt Nam sẽ được hưởng lợi thuế nhập khẩu giảm xuống 0% theo Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) trong khi Ấn Độ tiếp tục phải chịu mức thuế 9% với hàng may mặc và 6% với hải sản.
Về giày dép, Việt Nam được giảm thuế từ 8% xuống còn 0%. Tương tự, trong ngành nội thất, Ấn Độ đang bắt đầu xâm nhập vào thị trưởng EU với lượng xuất khẩu 900 triệu USD và Việt Nam là 1,5 tỉ USD, nhưng cách biệt sẽ được gia tăng gấp nhiều lần khi Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu 6% theo EVFTA.
Trong năm 2019, xuất khẩu Việt Nam vào EU đạt 53 tỉ USD so với 58 tỉ USD từ Ấn Độ. Đại sứ Sanh Châu nhấn mạnh: “Với việc thông qua EVFTA, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi Việt Nam đã khẳng định được với Thế giới, Việt Nam là đất nước an toàn và hấp dẫn nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài ở thời điểm hiện tại”.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Lê Thị Hải Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tính đến tháng 5/2020, Ấn Độ có 275 dự án đầu tư với tổng vốn gần 900 triệu USD, đứng thứ 26/136 quốc gia và vũng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo bà Vân con số này vẫn hết sức khiêm tốn so với tiềm năng của mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy quan hệ hợp tác, đầu tư và phát triển, bà Vân cho rằng hai bên cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến nhằm quảng bá môi trường đầu tư của Việt Nam và Ấn Độ đến với các doanh nghiệp trong khu vực.
Đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp hai nước để đẩy mạnh quan hệ thương mại và hợp tác kinh doanh song phương.
Cùng quan điểm, với mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng với Ấn Độ, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) nhấn mạnh: “Trong trạng thái bình thường mới hiện nay, Việt Nam được biết đến như một nơi đầu tư, kinh doanh an toàn và ổn định, đặc biệt là TP HCM.
Thành phố hiện là thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn của cả nước; cùng với cả nước, nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại đi vào hiệu lực khi đầu tư, kinh doanh tại thành phố”.