[ad_1]
Ở Bình Dương hay Tp.HCM, vẫn đang “nóng” tình trạng người lao động mất việc hoặc phải tạm nghỉ vì doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày không có đơn hàng do ảnh hưởng dịch Covid-19.
“Đầu ra” vẫn chưa thông
Nói với Thời báo Kinh doanh, tổng giám đốc một công ty may mặc ở thành phố Thuận An (Bình Dương) cho biết, số đơn hàng xuất khẩu (XK) của công ty sang hai thị trường lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đã quay trở lại nhưng giảm 50% đến 70%, trong khi đó thị trường Mỹ và EU vẫn đang ngừng nhập hàng hoặc tạm hoãn.
Ngành dệt may đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19
|
Theo tìm hiểu, DN của này hiện chỉ đạt khoảng 30% công suất. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều DN dệt may tính đến hết tháng 5/2020 khi mà các đối tác tạm thời ngừng nhận đơn hàng tới hết tháng 6/2020.
Còn tại Tp.HCM, tình trạng của các doanh nghiệp cũng không có gì khả quan hơn. Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Công ty TNHH Việt Thắng Jean, doanh thu của công ty đã giảm đến 80% trong khi mỗi tháng phải chịu áp lực chi 30 tỷ đồng tiền lương cho công nhân.
Với khoảng 600 DN dệt may ở Tp.HCM đang gặp khó khăn kéo dài vì Covid-19, nhiều ý kiến nhận định có thể khoảng 20% đến 30% DN trong số này có thể sẽ phá sản.
Báo cáo cập nhật ngành dệt may trong tháng 5/2020 của Công ty chứng khoán SSI cho thấy một vài công ty trong ngành đã công bố kết quả kinh doanh Quý 1/2020, và hầu hết trong số đó có sự sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái cả về doanh thu thuần và lợi nhuận ròng.
Đánh giá mới đây từ Tổng cục Thống kê cho thấy ngành dệt may là một trong những ngành kinh tế điển hình có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao với tỷ lệ trên 90%.
Trong 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may đạt chỉ đạt 10,4 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành dệt may được cho là đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện trong 2 tháng gần đây nhất, nhưng nay lại gặp khó khăn khi thị trường đầu ra chưa thông, đặc biệt là hai thị trường XK chủ lực như EU và Mỹ (riêng Mỹ chiếm tới 46% tổng giá trị XK).
Điều đáng ngại là tình trạng tồn kho sẽ khiến hàng may mặc của các DN mất giá trị nhanh chóng. Bởi lẽ, đặc thù của hàng thời trang là sản xuất theo mùa, quần áo mùa hè không thể để bán sang mùa thu đông hoặc để tới năm sau vì sẽ không còn hợp thời.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đây là lúc mà các DN dệt may cần liên kết lại với nhau để có những đơn đặt hàng đủ lớn. Và các DN cung ứng cũng phải liên kết với nhau để có một dung lượng sản xuất đủ lớn để có thể cạnh tranh được.
Nhiều ảnh hưởng tiêu cực
“Nếu bây giờ các DN của chúng ta còn nhỏ lẻ quá thì sẽ không đủ năng lực để cạnh tranh với các đối thủ khi có đối tác đặt hàng”, ông Doanh nói.
Theo giới chuyên gia, những DN có tỷ trọng may theo phương thức gia công FOB càng lớn (DN tự bỏ vốn ra để mua nguyên liệu) thì sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề do bị tồn đọng vốn ở cả nguyên phụ liệu và thành phẩm. Còn những DN may theo phương thức CMT (nhận nguyên liệu từ khách hàng) chủ yếu bị tồn đọng vốn ở thành phẩm.
Như trường hợp CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, với họ thì Mỹ và EU là hai thị trường XK chủ lực (cách đây 2 năm chiếm trên 80% doanh thu) và TNG chủ yếu may theo phương thức FOB. Việc các đối tác Mỹ và EU dừng nhận hàng khiến TNG bị ảnh hưởng nặng nề do DN bị tồn kho một số lượng lớn thành phẩm và nguyên phụ liệu.
Điều đáng lo là tình trạng không có đơn hàng kéo dài chưa biết đến bao giờ, trong khi dệt may vốn là ngành thâm dụng lao động. Do đó, bên cạnh chi phí nguyên phụ liệu thì chi phí trả lương là khoản chi phí rất lớn đối với các DN dệt may.
Mặt khác, nếu phía DN cho công nhân nghỉ việc thì khi vượt qua được khủng hoảng Covid-19 thì lại rất khó tuyển được lao động có tay nghề để khôi phục sản xuất.
Theo ước tính, một DN quy mô vừa, có khoảng 1.000 lao động thì mỗi tháng phải chi trả khoảng 3 – 4 tỷ đồng, một số DN lớn có từ 5.000 – 10.000 lao động thì số tiền trả lương hàng tháng lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trên thực tế, xét quy mô nhỏ ở từng DN, trong thời điểm khó khăn này, mỗi DN có thể tìm kiếm các thị trường ngách, bù đắp một phần thiệt hại từ thị trường Mỹ và EU. Nhưng xét đến quy mô toàn ngành, việc tìm kiếm thị trường khác có dung lượng đủ lớn để thay thế cho thị trường Mỹ và EU là không khả quan.
Việc đẩy mạnh phát triển tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng đã được các DN nghĩ tới. Thế nhưng, nhu cầu dệt may nội địa chỉ khoảng 5 tỷ USD/năm, trong khi năng lực sản xuất của cả ngành vào khoảng 40 tỷ USD/năm, việc tăng cường bán hàng ở thị trường nội địa chỉ giúp giảm bớt chứ không thể bù đắp được thiệt hại từ các thị trường XK.
Và nếu tình trạng dịch Covid-19 còn kéo dài trên thế giới thì ước tính ngành dệt may Việt sẽ thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi tháng. Nhất là những DN có tỷ trọng doanh thu XK sang Mỹ và EU cao sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất.
Thế Vinh
[ad_2]