Sáng 23/11/2016, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) – 799 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phú, quận 7, TPHCM, Chi nhánh Công ty cổ phần Quảng cáo & Hội Chợ Thương mại (Vinexad), Công ty Paper Communication Exhibition Service (Hồng Kông), Công ty Yorkers Trade & Marketing Service Co., Ltd. (Hồng Kông) và Công ty Chan Chao International Co., Ltd. (Đài Loan) phối hợp tổ chức Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu ngành Công nghiệp Dệt và May – VTG 2016. Đây là một sự kiện thường niên được tổ chức tại Việt Nam, quy tụ nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia và lãnh thổ có nền công nghiệp dệt may phát triển.
Tham gia triển lãm lần này có gần 550 gian hàng của 400 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Việt Nam, Úc, Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Ý, Mỹ, Indonexia, Bangladesh… Đặc biệt, các khu gian hàng đến từ Đức, nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hồng Kông và Đài Loan… với các thương hiệu nổi tiếng như: Juki, Brother, Pegasus, Pfaff, Hashima, Summit, Kansai, Siruba, Tajima… của các Công ty công nghiệp lớn như: Việt Tiến Tung Shing, Liên Việt, Nhất Tín, Việt Tín, Thiên hiệp…
Trưng bày tại triển lãm có các loại máy dệt, máy may, máy in, nguyên phụ liệu ngành dệt may, thiết bị thêu, thiết bị kiểm tra và điều khiển, hóa chất và thuốc nhuộm, nguyên phụ liệu ngành dệt may, công nghệ in ấn trên các chất liệu vải,… Bên cạnh đó, còn có một số dòng máy in lụa Heinz Walz có độ chính xác cao nhất và vùng in ấn lớn nhất được sản xuất tại Đức; Máy in màu thăng hoa Dye-sublimation tốc độ cao sản xuất tại Hàn Quốc; Máy đục lỗ tự động…Công ty Việt Tiến Tung Shing giới thiệu các thiết bị may công nghiệp, thiết bị giặt, ủi, các phụ tùng thiết bị phụ trợ cung cấp kịp thời cho khách hàng.
Triển lãm VTG 2016 có 7 khu trưng bày, đặc biệt có khu trưng bày nguyên phụ liệu đa dạng như bông, xơ sợi, chỉ, vải, vải nhung bền giặt, vải dệt kim xù hoa, bộ đồ giường tơ nhân tạo, dệt thủ công dân gian xuất xứ từ màu nhuộm tự nhiên thủ công và nguyên phụ liệu.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Ngọc Trung – Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Công thương cho biết, Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 16 hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương. Thành tựu hội nhập này là tiền đề quan trọng cho việc mở rộng giao thương, hợp tác phát triển của các doanh nghiệp thông qua lộ trình cắt giảm thuế quan, thuận lợi hoá thương mại. Dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã có những bước tiến đáng khích lệ. Cụ thể năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 27.3 tỷ đô la Mỹ, tăng 8,9% so với năm 2014. 10 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May Việt Nam ước đạt 23,304 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,8% so với năm 2015. Ông Trung, cho rằng: “VTG 2016 là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với công nghệ tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng và tăng năng suất, đáp ứng tốt hơn cho mục tiêu xuất khẩu ngày càng tăng của Việt Nam”.
VTG 2016 sẽ là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đổi mới máy móc thiết bị, tiếp cận công nghệ tiên tiến, đặc biệt tìm kiếm đối tác làm ăn lâu dài, tạo cơ hội giao thương với các nước trên thế giới.
Nhằm giúp các doanh nghiệp xây dựng nguồn cung ứng cũng như các giải pháp tăng năng suất, những ý tưởng sáng tạo và định hướng thị trường, vào ngày 24 – 25/11, Hiệp hội Bông Sợi Việt, Viện Năng suất Việt Nam, Bộ Dệt May Ấn Độ, Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương… sẽ tổ chức các buổi hội thảo với chủ đề “Hiện trạng và triển vọng Ngành Dệt May Việt Nam”, “Lean và các công cụ nâng cao năng suất”.
“Cập nhật hiện trạng và triển vọng chuỗi cung ứng Bông – Xơ – Sợi – Dệt May Việt Nam”; Viện Năng suất Việt Nam tổ chức hội thảo “Sản xuất tinh gọn và kỹ thuật dệt may sáng tạo giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành dệt may việt Nam và Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương tổ chức hội thảo “FTA và tác động tới ngành Dệt May Việt Nam thông qua quy tắc xuất xứ”. Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 26/11/2016.