Năm 2017 dù có nhiều tác động bất lợi từ thị trường, nhưng hoạt động XK dệt may vẫn khả quan với kim ngạch dự báo đạt mục tiêu 31 tỷ USD. Năm 2018, dự báo XK của ngành dệt may sẽ tiếp tục khả quan.
Sản suất hàng dệt may XK tại Công ty May Sài Gòn 3. Ảnh: Nguyễn Huế. |
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may bước vào năm 2017 với nhiều tác động bất lợi từ các thị trường XK chính như việc ký kết TPP với Mỹ không đạt như kỳ vọng, hậu Brexit của Anh vẫn còn ảnh hưởng đến thị trường… Tuy nhiên, đến nửa cuối năm 2017, các DN trong ngành đã nhanh chóng cải thiện hệ thống sản xuất, tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đồng thời đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường nên tình hình XK của ngành được cải thiện đáng kể.
Kết quả XK dệt may trong 10 tháng qua cho thấy tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn tương đối ổn định với kim ngạch gần 23 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ. 3 thị trường XK lớn của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định.
Cụ thể, đối với thị trường Mỹ, dù không đạt được thỏa thuận ký kết TPP nhưng ngành dệt may vẫn đạt 10,2 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 7,8%, thị trường EU đạt 3,06 tỷ USD, tăng 5,7%; Nhật Bản đạt 2,52 tỷ USD, tăng 6%. Thị trường Hàn Quốc cũng đã có sự tăng trưởng mạnh và đứng ở vị trí thứ 4 với kim ngạch đạt khoảng trên 2,3 tỷ USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ. Ở các thị trường khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Hy Lạp… tốc độ tăng trưởng XK khả quan.
Trong thời gian qua, mặc dù xuất hiện xu hướng dịch chuyển đơn hàng XK dệt may sang một số thị trường lân cận có chi phí sản xuất cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, điều này không đáng lo ngại vì DN dệt may Việt Nam vẫn hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, không lo mất đơn hàng sang các thị trường khác.
Tay nghề của người lao động trong ngành ngày một nâng cao, năng suất được cải thiện, chất lượng ngày càng tốt hơn và quan trọng là uy tín của DN với các đối tác mua hàng khá tốt nên phần lớn các nhà NK đều dành cho Việt Nam các đơn hàng lớn, chỉ chuyển một số đơn hàng nhỏ sang các nước như Myanmar, Campuchia.
Một điều đáng mừng là hiện nay các DN trong ngành đang từng bước đầu tư công nghệ mới, thiết bị tự động, nâng cao năng suất từ đó dùng lợi nhuận tái đầu tư cho công nghệ mới, bắt kịp xu hướng phát triển nhanh của thế giới, nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới.
Dự báo về tình hình XK dệt may năm 2018, ông Phạm Xuân Hồng cho biết, sẽ là năm ngành dệt may có nhiều triển vọng nếu thực hiện các chiến lược một cách bài bản và đúng hướng. Năm 2017 dù không có nhiều thuận lợi, nhưng tăng trưởng của ngành vẫn đạt mức khả quan.
Hiện tại các DN đang chạy nước rút để hoàn tất các đơn hàng đã ký với đối cũng như các kế hoạch đã đề ra. Bên cạnh đó nhiều DN đã có đơn hàng nhất định cho quý I/2018. Do đó, dự báo năm 2018 sẽ tốt hơn năm 2017, mức tăng trưởng của ngành có thể vẫn duy trì ở 2 con số.
Mặc dù vậy lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng, các DN dệt may sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới. Trong đó thách thức lớn nhất là áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar, Campuchia… vì trên thực tế, các nước này không chỉ đột phá về thị phần XK mà ngay tại thị trường trong nước, các chính sách về bảo hiểm, đất đai, thuế… đều thấp.
Trong khi đó, tại Việt Nam các chi phí này đều cao hơn các nước bạn. Do vậy, dù kim ngạch, doanh thu của ngành dệt may có tăng trưởng thì lợi nhuận sẽ không cao. Bên cạnh đó, thị trường XK của ngành dệt may cũng chưa thực sự thuận lợi, xu hướng thời trang nhanh khiến yêu cầu về thời gian giao hàng ngày một ngắn lại, từ 30 – 45 ngày xuống còn 15 ngày cũng tạo áp lực lớn cho nhà sản xuất.
Để vượt qua được những rào cản trên và cạnh tranh tốt hơn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang đề nghị các DN khai thác đầy đủ và phát huy tay nghề điêu luyện của công nhân, cũng như đổi mới phương thức quản lý qua đó có thể tối ưu hóa sản xuất và nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh việc duy trì và phát triển XK vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, cần chú trọng phát triển các thị trường khác như ASEAN, Liên minh Á – Âu, Ấn Độ, các nước châu Mỹ – Latinh… trong đó cần tạo dựng mối liên kết với hệ thống phân phối ở thị trường sở tại.
Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ở tầm vĩ mô cần có những chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm, đồng thời nghiên cứu và thu hút mọi nguồn lực phát triển các nhà máy dệt may thông minh để hỗ trợ cho ngành dệt may phát triển bền vững.
Nguồn Báo Hải Quan